Đề nghị bổ sung mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào Luật Công chứng (sửa đổi) loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh.

Tạo hướng mở cho việc thành lập văn phòng công chứng

Chiều 28/8, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Liên quan tới quy định về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (Điều 20), đại biểu Nguyễn Trường Giang - đoàn Đắk Nông đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh.

Theo đại biểu, có thể nghiên cứu quy định theo hướng, loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

"Việc bổ sung mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng" - đại biểu nói.

Đối với một số bất cập của mô hình doanh nghiệp tư nhân, đại biểu nhận định, có thể khắc phục được, bởi Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, qua đó đã giải quyết những bất cập của mô hình doanh nghiệp tư nhân do phụ thuộc vào một công chứng viên duy nhất….

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho hay, việc bổ sung mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân có ưu điểm là tạo hướng mở cho việc thành lập văn phòng công chứng, góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động công chứng, tăng tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn tổ chức công chứng khi thực hiện các giao dịch mà pháp luật yêu cầu phải công chứng, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Hơn nữa, Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng và Luật không giới hạn phạm vi, thẩm quyền công chứng của công chứng viên theo địa hạt nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở.

"Việc quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên như hiện nay dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, gây khó khăn trong thời gian qua, có địa phương số việc công chứng không nhiều, chỉ cần 1 công chứng viên hành nghề có thể đáp ứng được..." - đại biểu nêu thực tế.

Tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân

Đối với quy định về các loại giao dịch phải công chứng, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, Luật Công chứng là luật hình thức chỉ để tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, còn loại giao dịch nào thuộc đối tượng phải công chứng thì do luật nội dung điều chỉnh lĩnh vực đó quy định.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Theo đại biểu, hiện nay, một số luật nội dung cũng đã thể hiện rõ nguyên tắc này như Luật Đất đai 2024 (tại khoản 3 Điều 27), Luật Nhà ở (tại Điều 164), Luật Kinh doanh bất động sản (tại khoản 4, 5, 6 Điều 44).

Đồng thời, khi xây dựng các luật về nội dung mà có nội dung liên quan đến các giao dịch bắt buộc phải công chứng thì cơ quan trình có trách nhiệm rà soát xác định cụ thể các loại giao dịch nào buộc phải công chứng nhằm đảm bảo tính ổn định của Luật Công chứng và phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Trường hợp nếu bổ sung vào dự thảo Luật này một điều quy định về các giao dịch phải công chứng trên cơ sở tổng hợp các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành, đồng thời quy định mở về “các giao dịch khác mà pháp luật quy định phải công chứng” để dự liệu tình huống phát sinh yêu cầu mới về giao dịch bắt buộc phải công chứng vẫn chưa khắc phục được bất cập là phạm vi thực hiện công chứng vẫn đang được quy định cả trong Luật Công chứng và các văn bản khác.

Do đó, việc quy định về phạm vi các giao dịch phải công chứng chỉ quy định trong các luật nội dung là phù hợp.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - đoàn Ninh Bình - đề nghị, để tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu công chứng giao dịch, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế việc lạm dụng, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, cần bổ sung vào điều 71 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, tổng hợp quy định của pháp luật hiện hành để xây dựng dữ liệu về các giao dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật và thường xuyên rà soát, cập nhật công bố dữ liệu này trên Cổng thông tin của Bộ Tư pháp để bảo đảm đầy đủ, chính xác, công khai.

Cùng với đó, trong quá trình thực hiện, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tối đa vai trò của các cơ sở dữ liệu quốc gia để cắt giảm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền cắt giảm quy định về các giao dịch bắt buộc phải công chứng nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-nghi-bo-sung-mo-hinh-van-phong-cong-chung-la-doanh-nghiep-tu-nhan-342081.html