Đề nghị bổ sung quy định về quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình công viên địa chất, gắn phát triển du lịch bền vững
Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 26/6, Quốc hội tiến hành thảo luận hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Cần bổ sung quy định về quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình công viên địa chất, gắn phát triển du lịch bền vững
Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến đại biểu đều bày tỏ thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình công viên địa chất, gắn phát triển du lịch bền vững.
Theo đại biểu, hiện nay, loại hình này đã và đang trong quá trình phát triển theo xu hướng chung của các nước trên thế giới. Trong đó đều có liên quan đến việc kết hợp phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản địa chất.
Bên cạnh đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nêu rõ việc phải phát huy giá trị công viên địa chất thông qua xem xét các hình thức để phát triển du lịch khám phá và nghiên cứu, coi đây như một sản phẩm du lịch đặc biệt. Hơn nữa, đề xuất những cơ chế để huy động sự tham gia của người dân, đào tạo cho người dân và xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch mang tính chất độc đáo cho nhiều đối tượng tham gia.
Đến nay, cơ chế, chính sách cũng như khung khổ pháp lý, vẫn đang thiếu. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một cách phù hợp đối với vấn đề này, góp phần phát triển du lịch khám phá và nghiên cứu, thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới công viên địa chất Việt Nam, tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các cộng đồng địa phương.
Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc đồng bộ quy định giữa dự thảo Luật Di sản văn hóa và dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản đối với trường hợp Công viên địa chất là sự kết hợp hài hòa, tích hợp giữa hai yếu tố di sản địa chất và di sản văn hóa.
Ưu tiên bố trí ngân sách để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO vinh danh
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, quy định tại Điều 3 về giải thích từ ngữ, tại khoản 26 có quy định: Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”. Đây là một nội dung rất quan trọng để làm căn cứ cho việc tôn tạo, tu bổ, phục hồi di tích, di dời, thay đổi thống kê hiện vật trong di tích…
Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ cơ quan chuyên môn nào có khả năng đánh giá về các yếu tố cấu thành di tích. Tại Luật Di sản văn hóa 2001 có quy định yếu tố gốc cấu thành di tích bao gồm giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thẩm mỹ. “Như vậy Luật Di sản văn hóa 2001 có thêm yếu tố thẩm mỹ và theo tôi, các di tích có cả giá trị về mặt kiến trúc. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thêm giá trị thẩm mỹ và giá trị kiến trúc trong các yếu tố cấu thành di tích”, đại biểu nói.
Ngoài ra, đại biểu cho biết, khoản a Điều 7 quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu đã được đưa vào danh sách của UNESCO. Chúng ta đã có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận như: Múa rối nước, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù… Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị dự thảo Luật có quy định cụ thể về việc ưu tiên bố trí ngân sách để làm căn cứ tạo điều kiện cho hoạt động của các loại hình nghệ thuật trên.
Góp ý về chính sách của nhà nước đối với di sản, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, dự thảo luật quy định nội dung về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu mang tính định hướng chính sách.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách, cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ di sản của đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo luật.
Tại Điều 28 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định khoảng cách tối thiểu của các công trình xây dựng có khả năng ảnh hưởng đến di tích để có cơ sở thẩm định, đánh giá các hoạt động công trình xây dựng.
Dự thảo luật cũng quy định đầy đủ công việc quản lý bảo vệ khu vực 1 và 2 của di tích, tuy nhiên thực tiễn cho thấy hiện nay có khá nhiều di tích có giáp ranh giữa các hai địa phương với nhau. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định quản lý đối với các di tích nằm giáp ranh giới giữa hai địa phương…
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan thống nhất việc lập một quy hoạch di tích đối với trường hợp di tích có khu vực bảo vệ một phần hoặc toàn bộ di tích của khu vực quốc gia rừng đặc dụng, bảo tồn khu biển để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
"Luật hóa" một số quy định trong các văn bản dưới luật làm tăng tính khả thi của Luật
Thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nhận thấy, dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của Luật hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những bất cập trong thực tiễn, ngoài ra dự thảo Luật đã lựa chọn luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật, làm tăng tính khả thi của Luật.
Về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (Điều 9), đại biểu cho rằng, dự thảo Luật quy định các di sản văn hóa phi vật thể được hình thành, trao truyền trong quá trình lịch sử và thích ứng của cộng đồng chủ thể với môi trường tự nhiên, xã hội bao gồm 06 loại hình. Trong khi xuyên suốt từ Thông tư số 04 ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến Nghị định số 39 ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định về biện pháp quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách của UNESCO ghi danh và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đều quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 07 loại hình di sản.
Do đó, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định các loại hình cũng như khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể trong dự thảo Luật đảm bảo phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành.
Về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (Điều 10), đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo cần nêu rõ cơ sở và sự phù hợp của mốc thời gian kiểm kê như dự thảo Luật. Vì theo đại biểu, với quy định mốc thời gian như vậy, trường hợp khi Luật có hiệu lực, từ năm 2025 các địa phương sẽ kiểm kê, đến năm 2030 lại tiếp tục kiểm kê, vậy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng kiểm kê vào thời điểm nào, có đủ nhân lực để thực hiện kiểm kê hay không hay vẫn chỉ giao cho các địa phương thực hiện kiểm kê?
Liên quan đến chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể (Điều 13), để đảm bảo tính khả thi của Luật, nữ đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định cụ thể các tiêu chí, tiêu chuẩn được hỗ trợ các chính sách đãi ngộ của nhà nước, tránh trường hợp áp dụng tùy nghi. Đồng thời rà soát nội dung điểm b, điểm c, Khoản 1 Điều 13 để tránh trùng lặp.