Đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng đối với nhà giáo
Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị tư tưởng vào khoản 1 điều 14 do tiêu chuẩn về đạo đức chưa bao hàm hết.
Sáng 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhận định, Luật Nhà giáo không tách nhà giáo ra khỏi viên chức, mà coi nhà giáo là một viên chức đặc biệt trong hệ thống.
Dự thảo trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục, chủ trì tuyển dụng, hoặc phân cấp ủy quyền, hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng tại điểm a, b khoản 2 điều 16.
Theo đại biểu, việc trao quyền tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo, đáp ứng yêu cầu ngành giáo dục, chủ động điều phối biên chế, điều phối nhà giáo.
Tại điểm a khoản 3 quy định, các trường hợp đặc cách ưu tiên là người có trình độ cao, có tài năng.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần làm rõ, giải thích thế nào là người có trình độ cao, có tài năng? Qua đó, nhằm dễ thực hiện khi tuyển dụng, đảm bảo tính khả thi của quy định.
Điều 14 của Dự thảo quy định 3 hệ thống tiêu chuẩn nhà giáo. Khoản 1 là tiêu chuẩn chung về đạo đức nhà giáo. Theo đại biểu, quy định này đúng nhưng chưa đủ.
“Giáo dục có vai trò quan trọng, nhà giáo đóng vai trò trung tâm. Do vậy, đòi hỏi cao ở nhà giáo không chỉ ở đạo đức, mà còn về phẩm chất, tư tưởng chính trị. Đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị tư tưởng vào khoản 1 điều 14. Nếu chỉ tiêu chuẩn về đạo đức thì chưa bao hàm hết phẩm chất tư tưởng chính trị của nhà giáo”, đại biểu Tô Văn Tám cho biết.
Về thuyên chuyển nhà giáo, điều 23, Khoản 3 dự thảo quy định, giáo viên công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cơ sở giáo dục - nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận.
Theo đại biểu, lý thuyết như vậy là ổn và đủ. Song, điều kiện nơi đến đồng ý tiếp nhận gây khó khăn cho nhà giáo, không khả thi.
Có tình trạng giáo viên khi muốn thuyên chuyển thì không được đi vì thiếu giáo viên. Trong khi đó, nơi muốn đến lại không tiếp nhận vì đã đủ giáo viên.
Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, cần quy định nơi đến phải có trách nhiệm tiếp nhận khi nhà giáo thuyên chuyển đến. Cơ quan quản lý giáo dục có trách nhiệm điều phối trong quá trình thực hiện quyền thuyên chuyển của nhà giáo.