Đề nghị Brazil mở cửa cho tôm, cá tra, cá ba sa của Việt Nam
Cùng với đề nghị tiếp mở cửa thị trường cho sản phẩm chủ lực của nhau, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng Việt Nam và Brazil cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như sản xuất ethanol, chuyển dịch năng lượng,...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (ở giữa); ông Alexandre Silveira - Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Brazil (bên phải) và ông Marcio Elias Rosa - Thứ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil (bên trái)
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Brazil Lula da Silva và đoàn đại biểu cấp cao Brazil từ ngày 27-29/3/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với ông Alexandre Silveira - Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Brazil; ông Marcio Elias Rosa - Thứ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil.
Tại buổi làm việc, hai Bên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, chân tình và hiệu quả trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, vì lợi ích chung của hai quốc gia trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng mặc dù cách nhau nửa vòng trái đất nhưng hai dân tộc, hai đất nước cùng chung ý tưởng, chung khát vọng, cho nên đã trở thành đối tác chiến lược của nhau. Bộ trưởng mong muốn cùng các Bộ ngành Brazil thúc đẩy trụ cột hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước lên một tầm cao mới, xứng với quan hệ hợp tác đối tác chiến lược.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định mặc dù Brazil hiện đã là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Nam Mỹ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại khu vực ASEAN, nhưng dư địa và tiềm năng khai thác giữa hai nước còn rất lớn. Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới hai Bên tập trung tăng cường hợp tác trong 6 nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, về thủ tục công nhận về kinh tế thị trường của Việt Nam: Việt Nam hoan nghênh và cảm ơn thiện chí của Brazil đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và đề nghị cấp kỹ thuật hai Bên tiếp tục làm việc để sớm hoàn tất các thủ tục công nhận cần thiết trong Quý II năm nay.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị trong thời gian tới Việt Nam và Brazil tập trung tăng cường hợp tác trong 6 nội dung trọng tâm
Thứ hai, hai Bên tiếp tục mở cửa thị trường cho các sản phẩm chủ lực của nhau. Theo đó, Việt Nam trước mắt sẽ mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt bò, và tiếp tục mở cửa thị trường cho những sản phẩm mà Brazil có lợi thế và Việt Nam có nhu cầu. Ở chiều ngược lại, đề nghị Brazil mở cửa đối đẳng cho các sản phẩm như tôm, cá tra, cá ba sa của Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất ethanol. Đây là sự hợp tác có tính khả thi cao do Brazil là một nước quốc gia có kinh nghiệm sản xuất ethanol, trong khi Việt Nam có nhiều tiềm năng và nhu cầu chuyển hướng sử dụng nhiên liệu sạch như ethanol thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Thứ tư, tăng cường hợp tác về công nghiệp và năng lượng, Việt Nam đã và đang trở thành trung tâm sản xuất của thế giới nên rất cần nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, trong khi đó thì Brazil là một quốc gia rất giàu về tài nguyên, khoáng sản có thể đáp ứng nhu cầu này. Ngoài ra, Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, nên cơ hội hợp tác giữa hai Bên trong lĩnh vực này trong thời gian tới là rất lớn.
Thứ năm, nâng cấp Chủ tịch phân ban Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước lên cấp Bộ trưởng, để tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời tiến hành kỳ họp thứ 3 Ủy ban hỗn hợp ngay trong năm nay.
Thứ sáu, trong vai trò chủ chốt của mình, Brazil cùng Việt Nam thúc đẩy khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và MERCOSUR.

Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Brazil Alexandre Silveira cho biết các doanh nghiệp Brazil sẵn sàng tìm hiểu cơ hội và hợp tác với các đối tác Việt Nam
Về phía Brazil, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Alexandre Silveira nhất trí với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng hợp tác năng lượng là một trong lĩnh vực hai nước cần tập trung để đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Brazil và Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ với chương trình nghị sự về môi trường và đều là những nước đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực của mình. Brazil có hệ thống năng lượng sạch với 80% năng lượng tiêu thụ trong nước đến từ các nguồn tái tạo như thủy điện, gió, mặt trời và sinh khối. Brazil cũng có kinh nghiệm rất thành công trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học, một lĩnh vực có thể được chia sẻ và nhân rộng ở Việt Nam. Các doanh nghiệp Brazil sẵn sàng tìm hiểu cơ hội và hợp tác với các đối tác Việt Nam trong những lĩnh vực trên.

Việt Nam hoan nghênh và cảm ơn thiện chí của Brazil đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam
Phát biểu tại cuộc họp, ông Marcio Elias Rosa, Thứ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil đề nghị hai Bên tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác hiện hành, tập trung vào các các mục tiêu ưu tiên cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai quốc gia. Ông Marcio Elias Rosa cảm ơn thiện chí của Việt Nam trong việc mở cửa thịt bò cho Brazil, đồng thời thông báo quyết định của Tổng thống Lula về việc dỡ bỏ lệnh cấm về cá rô phi và mở cửa thị trường Brazil cho một số loại tôm, theo tiêu chuẩn quốc tế. Về cá tra, cá ba sa, Chính phủ Brazil cam kết tiến hành đánh giá kỹ thuật trong thời gian sớm nhất.
Kết thúc buổi làm việc, hai Bên cam kết cùng nhau triển khai nhanh chóng Tổ công tác thúc đẩy thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil. Coi đây là một cơ chế quan trọng và thiết thực nhất trong việc thúc đẩy các nội dung và lĩnh vực cụ thể trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Brazil đã đạt mức kỷ lục gần 8 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2023. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil 2,6 tỷ USD, nhập khẩu từ Brazil đạt 5,4 tỷ USD.
2 tháng đầu năm 2025, trao đổi thương mại song phương đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil đạt gần 400 triệu USD, nhập khẩu từ Brazil đạt 1 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Brazil là: Điện thoại các loại và linh kiện, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, Phương tiện vận tải và phụ tùng, Sắt thép các loại, Giày dép các loại, Xơ, sợi dệt các loại, Hàng thủy sản…
Các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Brazil là Quặng và khoáng sản khác, Bông các loại, Thức ăn gia súc và nguyên liệu, Đậu tương, Ngô, Gỗ và sản phẩm gỗ, Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày…
Brazil hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ (chỉ sau Hoa Kỳ) và là đối tác thương mại lớn thứ 1 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.