Đề nghị chi trả hỗ trợ trực tiếp học phí cho người học
Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến phảt biểu. Ảnh: Quang Vinh.
Bày tỏ quan điểm đồng tình và thống nhất cao với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, ĐB Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, cần quan tâm chăm lo cho thanh thiếu niên trên toàn quốc. Đồng thời cần tăng cường quan tâm ngân sách của Trung ương tham gia cho địa phương để chăm lo cho giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Tống Văn Băng phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.
ĐB Tống Văn Băng (Đoàn Hải Phòng) cho hay, giáo dục mầm non là bậc giáo dục đầu tiên, đặt nền móng cho giáo dục con người nhằm nuôi dưỡng và chăm sóc cho trẻ em. Trong đó xác định giáo dục mầm non cho trẻ em chia ra làm 2 nhóm. Một là nhà trẻ từ 3 tháng đến dưới 3 tuổi, và từ 3 đến dưới 6 tuổi.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trẻ chỉ chăm sóc khoảng 700 nghìn trẻ, còn mẫu giáo đến 4 triệu em. Thực tế có nhiều cơ sở giáo dục mầm non trong cùng một cơ sở bố trí để tiện lợi chăm sóc, bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo. Trong chính sách phát triển cơ chế giáo dục của chúng ta trong dự thảo nghị quyết có nhiều chính sách nhưng trong đó quan tâm đến cơ sở vật chất là trường lớp, trang thiết bị và đội ngũ nhà giáo thực tế có nhiều cơ sở kết hợp cả 2 đối tượng này để phù hợp với quá trình chăm sóc giáo dục trẻ em.
Từ đó ông Băng đề xuất, nghị quyết này có thể cân đối cả nhà trẻ và mẫu giáo vì hiện nay công nhân lao động và cán bộ công chức con của họ từ 12-36 tháng rất cần sự chăm sóc.
“Nếu quan tâm tới đối tượng này sẽ tốt trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ em và tạo điều kiện cho cha mẹ các cháu. Tỷ lệ trẻ em được chăm sóc tại nhà trẻ đang chiếm tỷ lệ rất thấp, nhưng mẫu giáo có thể vừa kết hợp quan tâm cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo”, ông Băng nói.
Theo ông Băng, trong trường hợp không bao gồm được nhà trẻ thì cần xác định quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo, chứ không cần nói trẻ từ 3-5 tuổi. Vì nếu như thế này sẽ vênh với luật giáo dục; vì luật quy định mẫu giáo là từ 3 đến dưới 6 tuổi. Bởi thời gian qua có việc các nhóm tư thục chăm sóc trẻ không phù hợp sẽ dẫn tới việc ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ, các cháu khó trong quá trình phát triển sau này.

Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.
ĐB Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) nhận định, 2 nghị quyết này thể hiện rõ chủ trương chính sách của Đảng, đặc biệt là Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực cho giáo dục, chăm lo giáo dục mầm non, đảm bảo giáo dục trung học là bắt buộc và nhà nước không thu học phí. “Hai chính sách này thể hiện rõ tính nhân văn và ưu việt của nhà nước chúng ta”, bà Chung nói.
Qua tiếp xúc cử tri, bà Chung cho biết, cử tri rất phấn khởi khi nghe thông tin kỳ họp này sẽ quyết định việc miễn, hỗ trợ học phí. Nghệ An dù là địa phương nghèo nhưng rất ham học, nhịn ăn, nhịn mặc cho con đi học nên chính sách này được cử tri Nghệ An và cử tri cả nước rất hoan nghênh.
Về miễn, hỗ trợ học phí, bà Chung cho rằng, kinh phí thực hiện chính sách do nhà nước đảm bảo là phù hợp. Tuy nhiên nghị quyết được thực hiện từ 1/9/2025 nhưng trong dự toán năm 2025 lại chưa đề cập vấn đề này. Do đó, Chính phủ cần bố trí đủ ngân sách để triển khai kịp thời, tránh việc chính sách được thông qua nhưng việc thực hiện chậm trễ khiến người dân băn khoăn thắc mắc.
Về phương thức chi trả, bà Chung nhắc lại, trong sáng nay, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm đối tượng này theo phương thức cấp trực tiếp cho người học.
Do đó bà Chung kiến nghị, đề nghị phương thức chi trả nên chi trả trực tiếp cho người học sẽ thuận lợi hơn, tránh việc lâu nay một số chính sách hỗ trợ cho người học nhưng thực hiện thông qua các cơ sở giáo dục thì vô hình chung tạo áp lực lên các cơ sở giáo dục.
“Vì thực tế hầu như đội ngũ kế toán hạn chế về người và gây áp lực lên giáo viên trong khi giáo viên không có chuyên môn về nghiệp vụ kế toán nên sẽ gặp khó. Chưa kể có chính sách lại chi trả chậm nên khi người học đã ra trường hay chuyển nhà đi nơi khác khiến việc thực hiện khó khăn. Do đó đề nghị nên thực hiện chi trả trực tiếp cho người học sẽ đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện chính sách”, bà Chung nói.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.
Đồng tình với việc ban hành 2 nghị quyết trên, ĐB Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nêu quan điểm, hiện nay đã có 10 địa phương miễn học phí cho học sinh. Hải Phòng là nơi đi đầu trong vấn đề này và hiện vẫn duy trì. Vừa qua, Hải Phòng đã ban hành tiếp một nghị quyết nữa để hỗ trợ học phí, chi phí đào tạo cho 9 lĩnh vực mà thành phố ưu tiên.
Ông Châu cũng thông tin, tới đây Hải Phòng sẽ tính toán lựa chọn 1 số trường và cấp học đề đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, khang trang rộng rãi đúng chuẩn, thậm chí vượt chuẩn lựa chọn đội ngũ giáo viên, xác định nội dung chương trình dạy cái gì, không thuần túy là dạy về kiến thức mà dạy cho các cháu kỹ năng, đạo đức, đặc biệt là giáo dục lòng yêu nước, yêu thành phố Hải Phòng. Nếu không các cháu học xong rồi đi hết. Nhiều bác nói Hải Phòng phát triển như thế mà chưa giữ chân được người Hải Phòng. Cho nên người Hải Phòng đi rất nhiều nơi, bây giờ Hải Phòng sẽ có chính sách thu hút nhân tài trở về.
Theo ông Châu, vấn đề không chỉ là thu nhập mà vấn đề môi trường sống như thế nào kể cả môi trường tự nhiên, xã hội. Về môi trường tự nhiên hiện Hải Phòng đang quyết liệt chuyển đổi xanh. Năm 2024, PCI đứng đầu cả nước năm và hiện Hải Phòng đang xây dựng nghị quyết thành phố không ma túy, sắp tới sẽ ban hành nghị quyết để làm sao người dân sống trong môi trường bình yên trong lành kể cả tự nhiên và xã hội.
“Vấn đề là làm sao giữ chân được người Hải Phòng và làm sao thu hút các nơi về với Hải Phòng. Giáo dục là vấn đề các địa phương rất quan tâm. Bây giờ có chính sách chung như thế thì người dân và cử tri rất đồng tình, ủng hộ. Bây giờ ta thống nhất thông qua, sắp tới bàn triển khai như thế nào để hiệu quả, dễ làm, con em được thụ hưởng chính sách ưu việt của CNXH”, ông Châu nói.