Đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật về tổ chức thi hành pháp luật

i biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng, tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá, xem xét việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành luật về tổ chức thi hành pháp luật.

Phát biểu tại phiên thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (sáng 8/11); đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đã có những ý kiến xung quanh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự phiên thảo luận sáng nay của Quốc hội.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật đã được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng, tâm đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Theo đó, công tác rà soát văn bản thời gian qua đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, rà soát văn bản. Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều báo cáo, rà soát trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, kết quả rà sát chưa được các Bộ quan tâm triển khai.

“Tôi thiết nghĩ, nếu việc sửa đổi, bổ sung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo đã được rà soát, phát hiện và kiến nghị sớm được các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế sẽ tạo được sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp, khả thi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp”, bà Đỗ Thị Việt Hà phát biểu.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà cũng bày tỏ tán thành rất cao về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 khi Chính phủ tiếp tục xác định, tiếp tục ưu tiên rà soát, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật là một trong các mục tiêu chủ yếu và thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật là một trong 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội.

Để công tác này thực sự có chuyển biến tích cực hơn và tạo được bước đột phá cao hơn, nhất là để Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện tốt định hướng nhiệm vụ trọng tâm và bước đột phá về xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Đề án về Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV vừa được Bộ Chính trị thông qua, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm thêm 3 nhóm nhiệm vụ giải pháp.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) phát biểu ý kiến thảo luận.

Nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ nhất, được bà Đỗ Thị Việt Hà đưa ra là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 43 của Thủ tướng Chính phủ (Về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật-PV).

“Tôi cho rằng 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Chỉ thị 43 là cơ bản toàn diện. Vấn đề là các nhiệm vụ, giải pháp này được tổ chức thực thi như thế nào, có đồng bộ, có nghiêm túc, có hiệu quả hay không? Do đó, tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đánh giá, kiểm điểm quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị nêu trên theo từng năm. Đồng thời, cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong công tác xây dựng, ban hành văn bản”, Đại biểu đoàn Bắc Giang nhấn mạnh.

Về nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ hai, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá, xem xét việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành luật về tổ chức thi hành pháp luật. Bà Hà cho rằng, đến nay hệ thống pháp luật cũng đã cơ bản đầy đủ. Mỗi khi có vướng mắc trong quá trình thực thi thì thường lại cho rằng là do thể chế, nhưng thực tế việc tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu. Và đây cũng là nhận định tại Kết luận số 83 của Bộ Chính trị về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48.

Bà Đỗ Thị Việt Hà cũng nhấn mạnh, công tác xây dựng và thi hành pháp luật là hai nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang tập trung chỉ đạo chuyển hướng chiến lược từ xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang trọng tâm là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, để tạo sự liên thông giữa công tác xây dựng pháp luật và công tác tổ chức thi hành pháp luật thì vai trò của công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng trở nên quan trọng hơn. Song như trong Báo cáo số 422 của Chính phủ đã đánh giá, nhìn nhận, việc tổ chức thi hành pháp luật có lúc có nơi còn lúng túng, chưa có hiệu quả.

“Do đó để thể chế hóa Hiến pháp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 83 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 48 và để có cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác thi hành pháp luật, thì việc xây dựng luật về tổ chức thi hành pháp luật là cần thiết. Đây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức thi hành pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ xác định rất rõ trong Quyết định số 242 về phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022”, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà nêu rõ.

Thứ ba, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, có cơ chế thích hợp để bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư. Đổi mới cơ chế để phân bổ kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó có quan tâm đến tổ chức pháp chế và người làm công tác pháp chế ở địa phương.

Gia Phát

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-nghi-chinh-phu-nghien-cuu-xay-dung-trinh-quoc-hoi-ban-hanh-luat-ve-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-post165753.html