Đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, tăng xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo

Đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, đặc biệt là các Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo theo hướng tăng xử phạt nhằm nâng cao tính răn đe.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh giải trình các ý kiến mà đại biểu Quốc hội đặt ra (Ảnh: Quang Vinh)

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh giải trình các ý kiến mà đại biểu Quốc hội đặt ra (Ảnh: Quang Vinh)

Ngày 10/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Giải trình trước các ý kiến đại biểu Quốc hội đặt ra, đối với 4 chủ thể là: người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội cho biết, sẽ rà soát thật kỹ tiếp tục theo hướng cố gắng quản lý chặt chẽ và quy trách nhiệm rõ ràng cho từng chủ thể, cố gắng là xử lý nghiêm, đồng thời xử phạt có tính răn đe hơn.

“Trong luật chỉ quy định nguyên tắc; còn khi chúng ta sửa các quy định của Luật Xử phạt hành chính, các quy định khác chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện các quy định”, ông Vinh cho hay.

Về quản lý trên không gian mạng và xuyên biên giới, ông Vinh cho biết, vấn đề quản lý quảng cáo xuyên biên giới hết sức phức tạp. Ở đây có quy định cho các cơ quan được quyền có những biện pháp kiến nghị, hoặc ngăn chặn, gỡ bỏ nếu xâm hại đến chúng ta.

“Có nên hay không nên khi quảng cáo tại Việt Nam thông qua doanh nghiệp Việt Nam. Biện pháp này liên quan đến vấn đề về thuế. Nếu các quảng cáo riêng cho đối tượng Việt Nam và người ta muốn hướng tới thị trường Việt Nam thì xử lý theo hướng quy định này sẽ đảm bảo hơn về việc có thể quản lý được thuế. Chúng tôi xin tiếp thu ý các đại biểu Quốc hội, phải rõ cơ quan có trách nhiệm xử lý, biện pháp để xử lý khi những quảng cáo có vi phạm và có ảnh hưởng tới quốc gia”, ông Vinh cho biết.

Đối với quảng cáo trực tuyến, ông Vinh cho biết, tinh thần là sẽ phải quy định chặt chẽ hơn và phải xử lý nghiêm để có tính răn đe. Vấn đề hậu kiểm phải rất chú ý, tức là đặt ra quy định nhưng phải có giám sát, khi phát hiện sai phạm phải xử lý.

Theo ông Vinh, vừa qua các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an xử lý một số vụ việc rất tốt, rất nghiêm. Đấy là những biện pháp hậu kiểm khi phát hiện ra những trường hợp sai phạm. Chúng ta xử lý nghiêm cũng chính là một hình thức răn đe trở lại để cho việc thực thi pháp luật được nghiêm túc, nghiêm minh hơn.

“Vấn đề quảng cáo trực tuyến là vấn đề mới, sẽ còn nhiều thực tiễn phát sinh, theo hướng luật sẽ quy định những nguyên tắc cơ bản và hành lang pháp lý. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ tiếp tục có những quy định cụ thể”, ông Vinh cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận phiên thảo luận (Ảnh: Quang Vinh)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận phiên thảo luận (Ảnh: Quang Vinh)

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc ban hành luật sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng thị trường quảng cáo phù hợp với xu thế chung, phát triển minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời phát huy vai trò của quảng cáo để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, giữ gìn, lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc.

Bà Thanh khẳng định, các đại biểu thống nhất với quy định chung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo. Đồng thời nhất trí việc giao cho Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm quản lý của từng bộ, ngành, địa phương có liên quan cũng như ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt các yêu cầu cụ thể với nội dung quảng cáo đối với nhóm sản phẩm này.

Về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng, theo bà Thanh, các đại biểu đề nghị rà soát quy định để đảm bảo tăng cường hiệu quả quản lý và nâng cao trách nhiệm, đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, tiêu chí người ảnh hưởng; trách nhiệm pháp lý như việc bồi thường thiệt hại do quảng cáo sai sự thật hoặc trách nhiệm liên đới của người quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện, nhất là những người có ảnh hưởng.

“Một số ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế quản lý nghiêm đối với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức khi họ vi phạm quy định quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo gian dối. Các cơ quan, tổ chức cần có cơ chế quản lý, quy định cụ thể, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp khi họ tham gia quảng cáo”, bà Thanh nêu rõ.

Về xử lý vi phạm hành chính cũng như trách nhiệm khi vi phạm các hoạt động quảng cáo, theo bà Thanh, một số ý kiến cho rằng cần thiết phải xem xét điều chỉnh theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này vì một số hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc quảng cáo sản phẩm chưa được kiểm chứng có thể trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

“Do đó, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, đặc biệt là các nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo theo hướng tăng xử phạt nhằm nâng cao tính răn đe, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, xây dựng môi trường quảng cáo minh bạch, lành mạnh và bình đẳng”, bà Thanh nói.

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vào ngày 11/6.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-nghi-chinh-phu-som-sua-doi-tang-xu-phat-hanh-chinh-trong-linh-vuc-quang-cao-10305511.html