Đề nghị cho Hà Nội chủ động quyết định biên chế
Tại Thông báo số 1955 của Văn phòng Quốc hội có đề nghị xem xét, tăng thẩm quyền cho TP Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện mô hình tổ chức chính quyền thành phố theo Nghị quyết số 97 (không tổ chức HĐND phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ tăng số lượng đại biểu HĐND từ 95 lên 125 đại biểu, số lượng Phó Chủ tịch HĐND từ 2 lên tối đa 3; đồng thời mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của HĐND.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị nên cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định trong dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Cần chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ
Về cơ chế đãi ngộ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực tiễn ở Hà Nội cho thấy, các chính sách thu hút nhân tài hiện tại mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể, chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác. Điều này chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư nên chưa đủ sức hấp dẫn.
Do vậy, dự thảo Luật quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.
“Tương tự như chính sách đặc thù đang áp dụng đối với TP.HCM, dự thảo quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị ở Thủ đô với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý”, ông Long cho hay.
Để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài và có sự phân hóa rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng cần quan tâm xây dựng môi trường và văn hóa làm việc hiện đại, thân thiện, dân chủ, cạnh tranh lành mạnh.
Về chế độ tiền lương, thu nhập, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27 của Trung ương, việc chi thu nhập tăng thêm tuy được khuyến khích đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách nhưng đây mới chỉ được xác định là cơ chế thí điểm.
“Do đó, nếu quy định nội dung này trong dự thảo Luật để áp dụng ổn định, lâu dài thì cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý.
Đề xuất Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn dự phòng
Đại diện Chính phủ cho biết, trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật, còn một nội dung quy định về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của TP Hà Nội (điểm d khoản 1 Điều 10) được đề nghị tiếp tục xin ý kiến.
Cụ thể, tại Thông báo số 1955 của Văn phòng Quốc hội đã đề nghị xem xét, tăng thẩm quyền cho TP Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, trên cơ sở thông báo trên và yêu cầu của thực tiễn, dự thảo Luật quy định trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, TP Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, cũng như khả năng cân đối ngân sách của thành phố để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. UBND TP Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, quy định này nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho TP Hà Nội trong việc quyết định biên chế.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này có nội dung khác với quy định của Đảng về quản lý hệ thống biên chế của hệ thống chính trị. “Do vậy, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc xin ý kiến của Bộ Chính trị”, ông Long nêu.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, quy định này chưa rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm quyết định việc tăng thêm biên chế cho TP Hà Nội là của cơ quan nào.
Hiện tại, Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị. Vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định cụ thể tổng biên chế của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.
“Do đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương về không tăng biên chế cán bộ, công chức và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị nên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào luật”, ông Tùng nêu.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-nghi-cho-ha-noi-chu-dong-quyet-dinh-bien-che-2191933.html