Đề nghị cơ chế đăng ký thành viên tại trung tâm tài chính
Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị một số hình thức tổ chức, công ty tài chính được phép đăng ký thành lập và hoạt động tại trung tâm tài chính.
Những tổ chức, công ty bao gồm tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm được đề nghị cho phép đăng ký thành lập và hoạt động tại trung tâm tài chính, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Lý giải về đề xuất chính sách này, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, việc hình thành hệ thống đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thành viên là giải pháp phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, đảm bảo sự quản lý xuyên suốt về đối tượng áp dụng các chính sách trong trung tâm tài chính, đảm bảo hiệu quả quản lý hoạt động trung tâm tài chính.
Bên cạnh đó, chính sách này không bị hạn chế bởi các quy định về đăng ký doanh nghiệp tại Luật doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, với thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động thuộc về ủy ban quản lý và điều hành trung tâm tài chính.
Để ngăn ngừa những tác động tiêu cực có thể có từ công nghệ tài chính, tờ trình đề xuất Chính phủ đưa ra quy định chi tiết về phòng, chống rửa tiền, kiểm tra, chứng nhận mức độ bảo mật, an ninh đối với tiền mã hóa và tài sản mã hóa, cách thức quản lý, xử lý đối với hoạt động liên quan đến NFT và token tiện ích, cùng với biện pháp quản lý “đào” tài sản mã hóa để hạn chế rủi ro an ninh năng lượng và môi trường.
Để đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân cho phần thu nhập phát sinh tại trung tâm tài chính đối với cán bộ quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.
Mặt khác, đề xuất cấp thị thực, nhập cảnh có giá trị nhiều lần, thời hạn phù hợp với thời gian làm việc tại trung tâm tài chính, được tạm trú có thời hạn tại trung tâm tài chính đối với người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài làm việc, đầu tư kinh doanh tại trung tâm tài chính và gia đình của những người này.
Những nội dung này được đưa ra tại tờ trình của Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Bên cạnh các chính sách nói trên, tờ trình cũng đề xuất một loạt chính sách liên quan đến phát triển thị trường vốn, cơ chế thu hút đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả của các trung tâm tài chính.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện nay đang có 121 trung tâm tài chính hoạt động trên toàn thế giới, cạnh tranh mạnh mẽ để trở thành các trung tâm tài chính hàng đầu với sản phẩm tài chính hấp dẫn, phù hợp với sự vận động và phát triển.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam được đánh giá là hội tụ đủ các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, vĩ mô ổn định, thu hút tốt vốn đầu tư nước ngoài và đang triển khai, áp dụng nhiều sản phẩm công nghệ tài chính, rất phù hợp để phát triển các trung tâm tài chính mới.
Khác với trung tâm tài chính cũ, trung tâm tài chính cung cấp sản phẩm, dịch vụ đặc thù, phục vụ thị trường ngách, qua đó tiếp cận dòng vốn chuyển dịch từ những trung tâm cũ để tái phân bổ theo xu thế tái cấu trúc tài chính quốc tế.
Việc củng cố và phát huy lợi thế cạnh tranh để hình thành những trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng đem lại cơ hội lớn, giúp Việt Nam thu hút thêm nguồn lực về tài chính, nhân lực, tận dụng xu thế dịch chuyển của thế giới, phát triển thị trường tài chính minh bạch, phát triển, nâng cao vai trò, vị thế đất nước và đảm bảo an ninh quốc phòng trong lĩnh vực tài chính.