Tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả đầu tư

Ngành công nghiệp hiện đang chiếm tới hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng của Việt Nam, là một trong những lĩnh vực tiêu tốn năng lượng nhiều nhất.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương phát biểu tại tọa đàm

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương phát biểu tại tọa đàm

Ngày 10/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư”. Sự kiện trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” (VSUEE).

Đại diện Bộ Công thương, Ngân hàng Thế giới, các tổ chức tài chính, các công ty dịch vụ năng lượng và cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp… trên phạm vi cả nước tham dự.

Tọa đàm nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển hơn nữa thị trường đầu tư cho tiết kiệm năng lượng, tăng cường hiệu quả kết nối giữa các tổ chức tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp trên toàn quốc.

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Tọa đàm cũng là cơ hội để các bên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp cụ thể, đồng thời kết nối tổ chức tài chính với doanh nghiệp để thúc đẩy các dự án tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), Giám đốc Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam”, cho biết, trong những năm qua, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và xem đây là một trong những trụ cột quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.

Năm 2020, Nghị quyết số 55/NQ-BTC ngày 11/2,2020 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã nêu rõ tiết kiệm năng lượng phải được xem là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội.

“Ngành công nghiệp hiện đang chiếm tới hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng của Việt Nam, là một trong những lĩnh vực tiêu tốn năng lượng nhiều nhất”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết, và nói thêm rằng trong bối cảnh này, dự án ra đời nhằm thúc đẩy cải thiện hiệu suất năng lượng và khuyến khích đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam.

Đại diện Ban Quản lý Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) trình bày về quỹ và cách thức triển khai phát hành bảo lãnh.

Đại diện Ban Quản lý Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) trình bày về quỹ và cách thức triển khai phát hành bảo lãnh.

Dự án hướng đến thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, đồng thời góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng và thực hiện triển khai các nhiệm vụ, hành động giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, điểm nổi bật của dự án là thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng; tháo gỡ rào cản về tiếp cận vốn vay thương mại; tạo động lực huy động các nguồn tài chính; thúc đẩy triển khai các dự án; phát triển thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng.

Tại tọa đàm, Ban Quản lý Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” đã giới thiệu chi tiết về các hoạt động và mục tiêu của dự án, bao gồm các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, cũng như những lợi ích dành cho doanh nghiệp công nghiệp và tổ chức tài chính khi tham gia dự án.

CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tiet-kiem-nang-luong-tang-hieu-qua-dau-tu-post855431.html