Để Nghị định về tuyển dụng giáo viên hợp đồng sớm mang lại hiệu quả (Bài 2): Còn nhiều rào cản

Dù đã gỡ được nút thắt cho bài toán thiếu giáo viên, thế nhưng v iệc ký hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ (Nghị định 111) khi đi vào thực tiễn lại đang nảy sinh không ít bất cập.

Trường Tiểu học và THCS Yên Lễ, thị trấn Yên Cát (Như Xuân).

Trường Tiểu học và THCS Yên Lễ, thị trấn Yên Cát (Như Xuân).

Thầy giáo Lê Văn Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Yên Lễ, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) cho biết: Sau khi trường đã thực hiện việc ký hợp đồng theo Nghị định 111 với 2 giáo viên từ tháng 4/2024, trong quá trình công tác các giáo viên luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện nghiêm quy định của nhà trường. Đồng thời, nhà trường cũng đã thực hiện việc chi trả đầy đủ các chế độ tiền lương, tiền phụ cấp đứng lớp, và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho các giáo viên.

Tuy nhiên, đây hoàn toàn là nguồn chi thường xuyên của nhà trường tự bố trí để chi trả cho các giáo viên chứ chưa nhận được bất cứ nguồn kinh phí nào từ huyện phân bổ. Việc này khiến cho nhà trường gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học. Vấn đề này, nhà trường cũng đã kiến nghị lên huyện nhiều lần nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

“Về lâu dài, chúng tôi cũng mong các cấp, ngành trong huyện sớm giải quyết để các giáo viên yên tâm gắn bó với nghề”, thầy Lê Văn Kiên kiến nghị.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay hầu hết các giáo viên ký hợp đồng theo Nghị định 111 trên địa bàn huyện Như Xuân đều đã nhận được tiền lương hàng tháng, còn chế độ phụ cấp khác thì mới chỉ có khoảng 8 trường chi trả đầy đủ, còn lại chưa chi trả chế độ cho các giáo viên.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Như Xuân Nguyễn Quang Trường thừa nhận có tình trạng các trường phải tự bố trí ngân sách từ nguồn chi thường xuyên để chi trả lương, chế độ phụ cấp cho các giáo viên hợp đồng được ký theo Nghị định 111.

Ông Trường giải thích, theo chỉ tiêu tỉnh giao, huyện được tuyển dụng 69 giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111. Sở dĩ, việc chậm cấp kinh phí để chi trả lương và các chế độ cho giáo viên là do một số thủ tục, hồ sơ của các nhà trường chuyển lên cho huyện còn chậm.

Hơn nữa, một số nhà trường cũng chưa hiểu rõ được quy định về chế độ chính sách cho giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 được hưởng, nhất là giáo viên ở các xã đặc biệt khó khăn. Do đó, huyện phải có thời gian để rà soát, hướng dẫn và yêu cầu các trường làm lại để đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên, dẫn đến việc bị chậm trễ.

Tờ trình xin bổ sung kinh phí chế độ lao động hợp đồng làm giáo viên năm 2024 theo Nghị định 111 của UBND huyện Như Xuân.

Tờ trình xin bổ sung kinh phí chế độ lao động hợp đồng làm giáo viên năm 2024 theo Nghị định 111 của UBND huyện Như Xuân.

Huyện Hoằng Hóa được xét tuyển hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111 đối với 303 giáo viên. Tuy nhiên, đến ngày 1/10/2024 số người trúng tuyển và đang giảng dạy tại các trường trong huyện hiện mới được 207 người, còn thiếu 96 giáo viên.

Theo chia sẻ của Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Hoằng Hóa Nguyễn Văn Ngọc, có nhiều nguyên nhân khiến huyện vẫn không thể tuyển dụng đủ giáo viên theo chỉ tiêu được giao do một số môn thiếu giáo viên ở bậc tiểu học và THCS thì lại không có hồ sơ dự tuyển; khi đang thu hồ sơ nhưng có thông báo của tỉnh về tuyển dụng biên chế, thì số giáo viên đã nộp hồ sơ hoặc xét được hợp đồng rồi thì lại rút hồ sơ để thi tuyển dụng viên chức...

Hiện tại, các giáo viên được ký hợp đồng theo Nghị định 111 mới chỉ nhận được mức lương là 2,34. Ngoài ra, chế độ phụ cấp cũng ít ỏi. Trong khi đó, chế độ lương, phụ cấp tháng 9, 10 của giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện đến thời điểm này vẫn chưa có, điều này làm ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của họ.

Theo chỉ tiêu của tỉnh giao, huyện Cẩm Thủy được tuyển dụng 87 giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111, trong đó bậc tiểu học là 29 giáo viên, THCS 58 giáo viên. Tuy nhiên, tính đến nay toàn huyện mới chỉ tuyển được 52 giáo viên. Huyện không tuyển được đủ giáo viên hợp đồng theo Nghi định 111 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đó là do đặc thù là huyện miền núi trong khi chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 cũng chưa cao, nên khó thu hút được giáo viên từ miền xuôi lên, trong khi giáo viên trong huyện lại không có để tuyển dụng.

Hơn nữa, giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 cũng chỉ ký trong thời hạn rất ngắn là 1 năm, điều này làm cho giáo viên chưa thật sự yên tâm để gắn bó với nghề...

Thực tế cho thấy, tình trạng chậm chi trả, nợ lương hoặc không tuyển dụng được giáo viên theo Nghị định 111 là thực trạng đang xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Điều này, ảnh hưởng đến quyền lợi và tâm lý của giáo viên, gây bức xúc trong ngành giáo dục.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức cho biết: Đến tháng 10/2024, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh mới chỉ tuyển dụng được 1.780 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 (đạt 46,4%). Số chỉ tiêu còn lại đang được UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xét tuyển để bảo đảm thực hiện chỉ tiêu được giao.

Nguyên nhân dẫn đến việc khó tuyển dụng giáo viên hợp đồng là do những bất cập về việc thực hiện chế độ, chính sách. Tại một số địa phương, nhất là khu vực miền núi có tình trạng thiếu nguồn giáo sinh, giáo viên để hợp đồng.

Bên cạnh đó, theo quy định của Chính phủ chỉ thực hiện hợp đồng không quá 1 năm (12 tháng), hưởng lương bậc 1 (đối với trình độ đại học), được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác, nhưng nếu hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội không đủ 5 năm trở lên thì không được ưu tiên trong tuyển dụng viên chức, điều này gây khó khăn cho việc thu hút được giáo sinh tham gia hợp đồng...

Nguyễn Đạt - Anh Tuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/de-nghi-dinh-ve-tuyen-dung-giao-vien-hop-dong-som-mang-lai-hieu-qua-bai-2-con-nhieu-rao-can-228285.htm