Đề nghị đưa Bãi cọc Bạch Đằng vào Hồ sơ di sản văn hóa Yên Tử

3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đề nghị bổ sung Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng vào Hồ sơ Yên Tử để UNESCO xem xét, công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang vừa thống nhất xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ sung Bãi cọc Bạch Đằng vào Hồ sơ Yên Tử để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” là hồ sơ di sản đầu tiên trong cả nước, xây dựng trình UNESCO có phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang với diện tích hàng trăm km2.

 Di tích bãi cọc Yên Giang. Ảnh: quangninh.gov.vn

Di tích bãi cọc Yên Giang. Ảnh: quangninh.gov.vn

Từ năm 2020 đến nay, 3 tỉnh đã mời các chuyên gia quốc tế, chuyên gia UNESCO sang Việt Nam khảo sát, tư vấn. Đến nay, hồ sơ đề cử với 17 cụm di tích, 32 di tích đã cơ bản hoàn thiện, được xây dựng với khoảng 2.000 trang bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh; hàng trăm bản đồ, bản vẽ mô phỏng, hệ thống ảnh, clip tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể.

Trong quá trình triển khai, đơn vị tư vấn đã lựa chọn 3 điểm là bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối và bãi cọc Đồng Má Ngựa thuộc Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đưa vào bảng trình bày tên 32 di tích để nghiên cứu xây dựng hồ sơ.

Tại buổi làm việc thảo luận điều chỉnh thành phần hồ sơ và cho ý kiến dự thảo kế hoạch quản lý di sản này, hôm 12/5, lãnh đạo 3 tỉnh đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa bản thảo Hồ sơ đề cử, xin ý kiến của các chuyên gia về các nội dung Hồ sơ Yên Tử; đánh giá kết quả xây dựng, bảo vệ Hồ sơ trước Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, dự kiến vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2023 và gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7/2023.

Được biết, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của nhà Trần và thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam.

Việc xây dựng Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) - Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương), gọi tắt là Hồ sơ Yên Tử, là hồ sơ di sản đầu tiên trong cả nước, xây dựng đệ trình UNESCO, được kỳ vọng sẽ là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

 Các chuyên gia khai quật bãi cọc Đồng Má Ngựa. Ảnh: quangninh.gov.vn

Các chuyên gia khai quật bãi cọc Đồng Má Ngựa. Ảnh: quangninh.gov.vn

 Hàng trăm chiếc cọc chủ yếu là gỗ lim, gỗ táu dài 2,6 đến 2,8 m, đường kính 20-30 cm được cắm thẳng xuống đáy sông

Hàng trăm chiếc cọc chủ yếu là gỗ lim, gỗ táu dài 2,6 đến 2,8 m, đường kính 20-30 cm được cắm thẳng xuống đáy sông

 Cận cảnh một chiếc cọc còn chìm dưới nước tại bãi cọc Yên Giang. Ảnh: Zing

Cận cảnh một chiếc cọc còn chìm dưới nước tại bãi cọc Yên Giang. Ảnh: Zing

Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, gồm bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa.

Trong đó, di tích bãi cọc Yên Giang diện tích khoảng 3.000m2 nằm ở cửa sông Chanh. Bãi cọc Yên Giang được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

Gần bãi cọc Yên Giang là bãi cọc đồng Vạn Muối diện tích khoảng 6.000m2 nằm ở cửa sông Rút, phường Nam Hòa. Theo các nhà nghiên cứu, đây là nửa phía Nam của trận địa cọc Bạch Đằng, còn nửa phía Bắc là bãi cọc Yên Giang.

Cũng trong địa phận phường Nam Hòa, bãi cọc Đồng Má Ngựa diện tích khoảng 2.100m2, nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1 km về hướng Nam. Bãi cọc này được được phát hiện và tiến hành khảo sát, khai quật vào năm 2010.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là Di tích quốc gia đặc biệt.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-nghi-dua-bai-coc-bach-dang-vao-ho-so-di-san-van-hoa-yen-tu-post247570.html