Đề nghị giữ nguyên cơ quan điều tra trong Quân đội, Viện kiểm sát
Tại buổi họp Hội đồng thẩm định dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), hầu hết các thành viên đều đồng tình với việc giữ nguyên thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Viện Kiểm sát nhân dân và Quân đội nhân dân.
Trước đó, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật nhận định việc xóa bỏ Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao là cần thiết nhằm luật hóa những thay đổi thực tiễn đã vượt qua quy định hiện hành. Điển hình là việc Bộ Công an đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức, bỏ cấp công an huyện theo chủ trương của Bộ Chính trị. Từ đó, chức năng điều tra ở cấp huyện đã được chuyển giao cho cơ quan điều tra công an cấp tỉnh.
Liên quan đến các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp vốn thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, dự thảo quy định sẽ do Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đảm nhiệm.
Đối với cơ quan điều tra trong Quân đội Nhân dân, dự thảo tiếp tục duy trì hai hệ thống: Cơ quan An ninh điều tra (cấp Bộ Quốc phòng và quân khu) và Cơ quan Điều tra hình sự (ba cấp: Bộ Quốc phòng, quân khu, khu vực). Tuy nhiên, có điểm mới là bổ sung cơ chế để Chính phủ chủ động trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập hoặc giải thể các cơ quan điều tra cấp quân khu, khu vực không cần sửa luật tại Quốc hội như hiện nay.
Tại buổi thẩm định, ông Ngô Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật lý giải thêm về lý do đề xuất 'không quy định Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao trong hệ thống Cơ quan điều tra', bởi Viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát lại vừa thực hiện thẩm quyền điều tra sẽ không bảo đảm được tính khách quan trong quá trình tố tụng hình sự, bảo đảm mối quan hệ chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
Về đề xuất liên quan cơ quan điều tra trong quân đội, theo hướng bỏ thẩm quyền điều tra đối với các tội phạm của Bộ luật Hình sự vì các hành vi vi phạm tại các tội này không mang đặc trưng yếu tố quân sự nên trường hợp người vi phạm là quân nhân thì đề nghị điều tra giải quyết như đối với cá nhân khác.

Bà Đặng Hoàng Oanh, chủ trì buổi họp.
'Cần thời gian nghiên cứu thấu đáo'
Nêu ý kiến tại buổi thẩm định, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Huy, Cục trưởng cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) đề nghị điều chỉnh các Điều 18, 19, 21 và 22 trong dự thảo Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, đồng thời đề nghị giữ nguyên thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân (QĐND) như quy định tại các Điều 24, 26, 27 và 28 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, thực tiễn sau hơn 80 năm hình thành và phát triển, Cơ quan điều tra trong QĐND đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ kỷ luật quân đội và giữ vững an ninh quốc phòng. Mỗi năm, các cơ quan này tiếp nhận, giải quyết trên 600 vụ việc và 300 vụ án, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Cơ quan điều tra trong QĐND có mô hình phù hợp với đặc thù quân sự, bí mật quốc phòng, đòi hỏi nghiệp vụ chuyên sâu và am hiểu kỹ thuật quân sự. Ngoài ra, trong chiến tranh hoặc tình huống khẩn cấp, cơ quan điều tra phải cơ động cùng đơn vị chiến đấu. Việc thu hẹp thẩm quyền của Cơ quan điều tra QĐND không phù hợp với tiến trình xây dựng các luật tư pháp hình sự khác đang giữ nguyên tổ chức và thẩm quyền trong Quân đội. Từ đó, đề nghị tiếp tục giữ nguyên thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong QĐND và của Viện KSND Tối cao như hiện hành.
Cùng quan điểm, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Viện KSND Tối cao, nhấn mạnh việc không tiếp tục tổ chức cơ quan điều tra trong Viện Kiểm sát nhân dân là vấn đề lớn, cần được đánh giá tác động đầy đủ, khách quan và có sự thống nhất cao giữa các cơ quan.
Theo bà Chi, thiết chế lập và kiểm sát tư pháp gắn với Viện kiểm sát đã tồn tại suốt 63 năm, góp phần bảo đảm hiệu quả công tố và kiểm sát điều tra. Nếu loại bỏ cơ quan điều tra riêng của Viện Kiểm sát nhân dân, sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực thực thi các chức năng này. Và nếu không có cơ quan điều tra trong quân đội, sẽ không có lực lượng đủ năng lực, điều kiện để xử lý các tội phạm đặc thù xảy ra trong nội bộ quân đội.
Kết luận buổi thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định hầu hết thành viên Hội đồng thẩm định đều đồng tình với việc giữ nguyên thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Viện KSND và QĐND.
Dẫn Kết luận 92 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 27 về cải cách tư pháp làm cơ sở chính trị vững chắc, bà Oanh cho biết, dự thảo Luật nên chỉ tập trung sửa đổi các vấn đề liên quan đến tổ chức chính quyền trung ương; các nội dung khác cần thời gian nghiên cứu thấu đáo.