Đề nghị hủy bản án Hồ Duy Hải để làm rõ thủ tục điều tra, tố tụng
VKS nhấn mạnh kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan. Kháng nghị đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng.
Chiều 8/5, dự kiến Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ đưa ra phán quyết giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải (sinh năm 1985, ngụ huyện Thủ Thừa, Long An), bị cáo buộc Giết người, Cướp tài sản trong vụ án mạng xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa) vào đêm 13/1/2008.
Trong ngày 7/5, HĐXX, VKSND Tối cao cùng các cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng của tỉnh Long An tiếp tục tranh luận về dấu vân tay ở hiện trường, thời gian gây án và việc mua vật chứng ở chợ đưa vào hồ sơ.
Vì sao không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải?
Theo Báo Công Lý, trong kháng nghị của VKSND Tối cao đặt vấn đề dấu vân tay thu được tại hiện trường có phải của Hồ Duy Hải?
Tại bút lục 53 nêu rõ Bản kết luật giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận "các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải".
Giải trình về vấn đề này, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An khẳng định việc thu giữ dấu vân tay và khám nghiệm hiện trường vụ án được tiến hành theo đúng quy định. Cơ quan điều tra này cho biết đã tiến hành lấy mẫu vân tay tại hiện trường vụ án và khu vực nhà vệ sinh. Kết quả không thu được dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Điều này phù hợp với lời khai của Hải trước đó.
Cụ thể, tại các biên bản hỏi cung, Hải khai nhận sau khi giết hai nạn nhân, anh ta ra nhà vệ sinh rửa tay và dao nên dấu vân tay không lưu lại tại đây.
Ngoài ra, cơ quan điều tra thu thập 144 vân tay, trong đó 119 vân tay liên quan đến vụ án, ngoài ra còn giám định 25 vân tay các thành phần tham gia tiến hành khám nghiệm hiện trường để giám định.
Thành viên Hội đồng Thẩm phán đặt vấn đề: Diễn biến vụ án có rất nhiều chỗ có thể có vân tay để lại, từ cốc uống nước, điện thoại, quần áo… tại sao lại không thấy vân tay của Hồ Duy Hải? Những dấu vân tay còn lại là của ai? Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai, còn có 2 người tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol đã được truy xuất dấu vân tay chưa?
Đại diện cơ quan điều tra giải thích khu vực Cầu Voi là nơi công cộng có rất nhiều người ra vào mỗi ngày. Tại hiện trường vụ án, công an đã thu giữ được 7 dấu vân tay, trong đó 2 dấu vân tay của nạn nhân, còn lại 5 dấu vân tay khác không xác định được.
Về Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol, cơ quan điều tra Long An cho biết đã lấy dấu vân tay nhưng kết quả không trùng khớp với dấu vân tay tại hiện trường.
Chủ tọa phiên tòa cho biết luật sư Trần Hồng Phong (người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải) có đơn tố giác hai người này liên quan đến vụ án, đề nghị điều tra viên làm rõ dựa vào căn cứ nào để loại trừ Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol?
Điều tra viên trả lời Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol là hai nhân vật bị tình nghi; tuy nhiên, giám định vân tay không trùng khớp với vân tay tại hiện trường. Ngoài ra, thời điểm xảy ra vụ án, cả hai người này có bằng chứng ngoại phạm.
Về ý kiến cho rằng Hồ Duy Hải thực hiện rất nhiều thao tác tại nhiều vị trí ở Bưu điện Cầu Voi nhưng không để lại dấu vấn tay, cơ quan điều tra cho biết việc không thu được dấu vân tay là bình thường. Thực tế, việc khám nghiệm không thu được dấu vân tay của nạn nhân Hồng, 5 dấu vân tay khác cũng không xác định được.
Không để ý đến ghế và thớt tại hiện trường
Theo cáo buộc, khoảng sau 20h30 ngày 13/1/2008, Hải dùng thớt đánh vào mặt; dùng dao giết nạn nhân Hồng; dùng ghế xếp bằng inox, dao giết chị Vân.
Khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát đã ghi nhận, chụp ảnh những vật chứng này nhưng không được thu giữ để truy nguyên, và sau đó cơ quan điều tra có động thái cho người mua những vật chứng này để bổ sung, đưa vào hồ sơ vụ án.
Theo tường thuật của Báo Bảo Vệ Pháp Luật, thành viên HĐXX đã đưa ra câu hỏi: Luật có cho phép mua đồ mới để thế vào hung khí bị tiêu hủy hay không? Cơ quan điều tra xác định dao, thớt có phải là công cụ phạm tội? Còn chiếc ghế ở hiện trường có mã số khác bản ảnh, khác với tang vật thu giữ là sao?
Điều tra viên trả lời việc yêu cầu anh Nguyễn Văn Thu, chị Lê Thị Thu Hiếu mua dao, thớt ngoài chợ về chỉ để mô phỏng, mục đích cho Hồ Duy Hải nhận dạng chứ không coi những vật dụng mới mua về đó là công cụ gây án.
"Dao, thớt được mua về để chứng minh lời khai về công cụ gây án của Hồ Duy Hải, như vậy có đúng pháp luật không?", thành viên HĐXX chất vấn.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đồng tình với quan điểm của VKSND Tối cao về việc không thu dao, thớt là sai.
Tuy nhiên, điều tra viên tiếp tục giải thích không thu là do lúc đầu không nhận định thớt, ghế tại hiện trường là công cụ gây án. Bởi khi khám nghiệm thấy cơ chế hình thành vết thương ở cổ của các nạn nhân là do vật sắc, nhọn, nên chỉ tập trung đi tìm vật sắc, nhọn, không để ý đến ghế, và thớt tại hiện trường.
Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An cũng thừa nhận đây chính là sai sót của cơ quan điều tra trong việc khám nghiệm hiện trường.
Kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan
Theo TTXVN, trước những vấn đề VKS đặt ra, một thành viên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hỏi: "VKS cho rằng việc không thu giữ vật chứng, không giám định rõ mẫu máu, nhóm máu... là những vi phạm nghiêm trọng. Vậy, giả sử hội đồng chấp nhận hủy bản án thì những nội dung này có khắc phục được không?".
Đại diện VKSND Tối cao nói trước hết phải thống nhất đây là những vi phạm nghiêm trọng. Nếu hủy bản án, có điều tra lại được hay không là việc của cơ quan điều tra. Bởi từ năm 2008 đến nay, vật chứng, dấu vết đó có thể còn hoặc mất. Tuy nhiên, VKSND Tối cao kháng nghị không chỉ nêu ra các sai phạm mà còn muốn làm rõ phần hậu quả của vi phạm đó.
Một thẩm phán khác đặt vấn đề: "Theo hồ sơ, vật chứng đã bị tiêu hủy, mẫu máu không còn thì những nội dung đó điều tra lại, chúng ta biết rõ là không thể khắc phục".
Đại diện VKS nói có cái có thể khắc phục, có cái không. Ví vụ xác định về mặt khoa học khoảng thời gian chết của nạn nhân, để hỗ trợ thêm những chứng cứ bị mất.
Vị đại diện viện kiểm sát cũng nhấn mạnh kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan. Kháng nghị đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng.
Cũng trong chiều 7/5, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết sau khi có kháng nghị của Viện KSND Tối cao, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã giao cơ quan điều tra của bộ thành lập một tổ công tác điều tra độc lập để thẩm định lại vụ án này. Tổ công tác này đã trình bày báo cáo trước Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Báo cáo của Bộ Công an xác định bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật