Đề nghị kiểm toán làm rõ vì sao chậm giải ngân đầu tư công

Chủ tịch Quốc hội nêu ra một số vấn đề thời sự, thiết thực mà kiểm toán cần đi sâu, làm rõ, như vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm; nợ xấu tăng; khó khăn trong mua sắm vật tư trang thiết bị y tế chưa được giải quyết dứt điểm; giải ngân đầu tư công vì sao vẫn chậm…

Kết quả báo cáo kiểm toán hàng năm phải được họp báo công khai

Cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại phiên họp sáng 12/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ đồng tình với việc giảm số lượng và nâng cao chất lượng kiểm toán để giảm phiền hà cho đối tượng kiểm toán.

Nhấn mạnh KTNN ngày càng khẳng định được vai trò, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú ý đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp kiểm toán để tăng cường công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thực tế nhiều năm qua kiến nghị kiểm toán rất nhiều nhưng kết quả thực hiện chưa cao và chưa rõ lý do. Do đó, cần làm rõ việc giải trình thực hiện đến đâu, vì sao chưa thực hiện hay kiến nghị chưa phù hợp?

Góp ý về kế hoạch kiểm toán 2024, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, ngoài các nội dung được cơ quan kiểm toán đưa vào kế hoạch, KTNN cần cân nhắc kiểm toán chuyên đề về những tồn tại của ngành điện, năng lượng; tái cơ cấu, xử lý nợ xấu; giải ngân đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Cùng với đó, chất lượng các cuộc kiểm toán cần nâng cao hơn, có trọng tâm, tránh những kiến nghị chung chung, chưa đảm bảo tính khả thi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với phương châm “làm ít nhưng chất” của KTNN. “Đừng rải mành mành ra, làm gì cũng cần có trọng tâm trọng điểm, có tác động lan tỏa, làm gì cũng phải hiệu lực, hiệu quả. Các đồng chí làm theo hướng này tôi đánh giá rất cao và tiếp tục theo hướng này” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc tiếp tục đề cao công khai, minh bạch, khách quan trung thực, bởi công khai, minh bạch là vũ khí quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán.

Lưu ý hiện nay các báo cáo mới chủ yếu được đăng tải trên website, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải tổ chức họp báo công khai công bố báo cáo kiểm toán hàng năm, đồng thời cần lựa chọn các kiểm toán chuyên đề để họp báo công khai. Theo Chủ tịch Quốc hội, công khai một mặt vừa tăng sức mạnh của kiểm toán, mặt khác là để công luận giám sát hoạt động kiểm toán có công khai, chính xác không.

Kế hoạch kiểm toán phải bám theo các vấn đề thời sự

Đối với kế hoạch kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, kế hoạch kiểm toán phải bám sát các vấn đề đã được Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ năm vừa qua. Tất cả các cuộc kiểm toán phải hướng tới đánh giá thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, đất đai, bất động sản, dự lường các vấn đề rủi ro kinh tế vĩ mô.

Từ yêu cầu này, Chủ tịch Quốc hội nêu ra một số vấn đề thời sự, thiết thực đang được quan tâm mà kiểm toán cần đi sâu, làm rõ, như vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm; nợ xấu tăng; nợ trái phiếu đáo hạn chưa được thanh toán; khó khăn trong mua sắm vật tư trang thiết bị y tế vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; có hay không sự bắt tay giữa ngân hàng và bảo hiểm; giải ngân đầu tư công vì sao vẫn chậm…

Tập trung đánh giá tác động ban hành văn bản sai

Chủ tịch Quốc hội lưu ý từ kiểm toán kết quả tư vấn phải sâu sắc hơn, phản biện phải sắc bén hơn, xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn, nhất là sai phạm trong ban hành văn bản.

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm nay tập trung đánh giá tác động của các văn bản ban hành sai để đề xuất xử lý nghiêm sai phạm vì thực tế ban hành ra rất nhiều “giấy phép con”, văn bản không đúng pháp luật.

Nhấn mạnh kiểm toán phải góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, Chủ tịch Quốc hội cho rằng mỗi năm kết quả thanh tra, kiểm toán phát hiện và xử lý nhiều sai phạm cho thấy công tác này được thực hiện đến nơi đến chốn, song cũng lo vì sao có hoạt động thường xuyên liên tục như thế mà sai phạm không giảm, thậm chí tăng lên. Qua quyết toán hàng năm có nhiều vấn đề nói hết năm nọ đến năm kia vẫn cứ tiếp diễn.

Phát biểu giải trình, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho hay, KTNN sẽ tiếp thu để thể hiện hết, đáp ứng yêu cầu nghị quyết Quốc hội tại kỳ họp vừa qua.

Về con số kiến nghị xử lý tài chính giảm so với 2022, Phó Tổng KTNN cho biết, năm nay, thực hiện chủ trương của Quốc hội là hỗ trợ miễn giảm cho doanh nghiệp khó khăn, nên việc đối chiếu thuế không thực hiện trực tiếp tại doanh nghiệp, chỉ thực hiện tại cơ quan thuế, do đó kiến nghị tài chính giảm.

Đối với kế hoạch kiểm toán năm 2024, KTNN sẽ tiếp thu ý kiến UBTVQH, rà soát nội dung để đưa ra kế hoạch, phương án tổ chức kiểm toán tốt nhất. KTNN sẽ phối hợp với thanh tra ngành, địa phương để tránh chồng chéo và xác định danh mục các cuộc kiểm toán. Theo đó, kế hoạch kiểm toán sẽ lồng ghép tối đa các cuộc kiểm toán, giảm tần suất xuất hiện tại các địa phương, tối đa 2 lần.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang

Làm rõ thêm một số vấn đề được nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với kiểm toán để tránh chồng chéo, bởi “cơ sở cũng than phiền vì tiếp nhiều đoàn”. Bên cạnh đó, chỉ đạo tăng cường kết nối theo hướng chuyển đổi số, tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia giúp kiểm toán thuận lợi hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đề nghị quan tâm lựa chọn đối tượng kiểm toán có ảnh hưởng lớn, nguy cơ sai phạm cao. Đối với ý kiến về việc còn nhiều kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, đâu đó vẫn còn quy định chưa phù hợp nên có những kiến nghị đúng luật nhưng khó khả thi khi thực hiện./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-nghi-kiem-toan-lam-ro-vi-sao-cham-giai-ngan-dau-tu-cong-135620.html