Đề nghị làm rõ tác động của dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) đối với từng nhóm đối tượng

Chiều 25/5, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật và thấy rằng, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc tổ chức lại hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo xác định rõ việc phân cấp này được thực hiện theo chuyên môn kỹ thuật hay phân loại hệ thống tổ chức.

Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với quy định của dự thảo Luật, tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở dịch vụ tiêm chủng là hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hay cơ sở dự phòng để có hình thức quản lý phù hợp và tiếp tục rà soát các tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh khác để đảm bảo không bỏ sót các đối tượng.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đa số ý kiến trong Ủy ban thống nhất về sự cần thiết của việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và thực hiện theo lộ trình đối với từng chức danh phải có Giấy phép hành nghề, song đề nghị bổ sung lộ trình kiểm tra đánh giá năng lực đối với chức danh y sỹ thuộc lực lượng vũ trang và cấp cứu viên ngoại viện; làm rõ căn cứ xác định thời điểm tiến hành chính thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngay trong dự thảo Luật.

Về thời hạn của giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí quy định Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm và đề nghị quy định thời hạn Giấy phép hành nghề đối với chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền cho phù hợp với điều kiện hành nghề của các đối tượng này. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng không cần quy định thời hạn của Giấy phép hành nghề mà chỉ cần sửa đổi các quy định hiện hành về cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục để đảm bảo yêu cầu và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-nghi-lam-ro-tac-dong-cua-du-thao-luat-kham-chua-benh-sua-doi-doi-voi-tung-nhom-doi-tuong-post196428.html