Đề nghị tái giám sát về tình hình xâm hại trẻ em

'Trước đây, Quốc hội cũng đã từng tiến hành giám sát và ra nghị quyết về vấn đề này nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, điển hình là vụ việc ở mái ấm Hoa Hồng. Tới đây, đề nghị Ủy ban Văn hóa - Giáo dục giám sát lại, báo cáo Quốc hội', Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lo lắng.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo công tác dân nguyện

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo công tác dân nguyện

Theo báo cáo công tác dân nguyện vừa được Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 12-9, cử tri và nhân dân đặc biệt bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những thiệt hại, mất mát về người, tài sản tại nhiều địa phương do lũ lụt, sạt lở, sự cố sập cầu Phong Châu.

Cử tri và nhân dân ghi nhận sự nỗ lực trong chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại.

Trong đó, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, địa phương thực hiện 5 mục tiêu và các giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3. UBTVQH cũng đã kịp thời cử đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà, nắm tình hình các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

“Cử tri bày tỏ sự đồng tình với chương trình ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và cho rằng đây là hoạt động rất kịp thời, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái của người Việt Nam, là sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân vùng bị bão lũ, thiên tai”, ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.

 Thành viên UBTVQH dự họp

Thành viên UBTVQH dự họp

Góp ý về báo cáo, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tách kiến nghị của cử tri về phòng chống thiên tai thành nội dung riêng và làm sâu sắc hơn.

“Chính phủ, chính quyền địa phương cần có những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để khoanh vùng những khu vực rủi ro cao về thiên tai; dành nhiều nguồn lực hơn để tìm kiếm, đầu tư cho các giải pháp bảo vệ khu vực dễ bị tổn thương; đồng thời tuyên truyền sâu rộng hơn cho người dân”.

Lo ngại trước tình hình xâm hại trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu: “Trước đây Quốc hội cũng đã từng tiến hành giám sát và ra nghị quyết về vấn đề này nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, điển hình là vụ việc ở mái ấm Hoa Hồng. Tới đây, đề nghị Ủy ban Văn hóa Giáo dục giám sát lại, báo cáo Quốc hội”.

Báo cáo thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, trong 8 tháng năm 2024, Bộ Công an đã khởi tố gần 1.200 vụ việc, 1.100 bị can, trong đó nhóm hành vi bạo hành 12,4%, còn lại là xâm hại, 60% số vụ có kẻ thủ ác là người thân quen…

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, bên cạnh các cơ quan bảo vệ pháp luật thì sự chung tay của toàn xã hội, các tổ chức đoàn thể là hết sức quan trọng để giải quyết vấn nạn này.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-nghi-tai-giam-sat-ve-tinh-hinh-xam-hai-tre-em-post758577.html