Đề nghị tăng mức độ xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Sáng 6-5, Phó Thủ tướng Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Các ĐBQH dự phiên họp sáng 6-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Đáng chú ý, về hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đề nghị nghiên cứu bổ sung một số chính sách như hài hòa tiêu chuẩn, thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chuỗi cung ứng; xã hội hóa việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp.
Về công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, Ủy ban thấy rằng, việc công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà tổ chức, cá nhân đó áp dụng dựa trên cơ sở kết quả chứng nhận hợp quy do tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân là cần thiết.
Về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát quy định về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất; nghiên cứu, sửa đổi quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa; đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định chế tài cụ thể, đủ mạnh để xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sáng 6-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Đa số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong thời gian qua có nhiều hàng hóa được lưu thông trên thị trường nhưng kém chất lượng là do công tác hậu kiểm còn yếu, chế tài áp dụng chưa đủ mạnh, chưa tạo sức răn đe (đơn cử như vụ việc kẹo giả Kera vừa qua gây bức xúc dư luận).
Do đó, theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dự thảo luật cần sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm như tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, phương tiện thông tin đại chúng danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để cảnh báo xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ủy ban đề nghị nghiên cứu tiếp thu ý kiến nêu trên.
Liên quan vụ kẹo rau củ Kera, vừa qua Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự "Sản xuất hàng giả là thực phẩm”, “Lừa dối khách hàng" xảy ra tại TPHCM và tỉnh Đắk Lắk. Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Phong (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Asia Life về tội "Sản xuất hàng giả là thực phẩm"; Nguyễn Thị Thái Hằng (hay gọi Hằng Du mục, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt); Lê Tuấn Linh (Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt); Phạm Quang Linh (hay gọi Quang Linh Vlogs) và Lê Thành Công (cổ đông, thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt) cùng về tội "Lừa dối khách hàng".