Đề nghị tính giá trị quyền sử dụng đất khi liên doanh liên kết
Một số ý kiến yêu cầu thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia trong 2 kỳ họp để có thời gian đánh giá kỹ lưỡng, tránh sửa đổi vội vàng gây xung đột với các quy định hiện hành và ảnh hưởng đến tính ổn định.
Ngay trước phiên thảo luận tại nghị trường sáng 7-11 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (gọi tắt là luật sửa 7 luật), báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ đại biểu và báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Tài chính đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội (ĐB).
Hầu hết các ý kiến thảo luận tổ đều ủng hộ sự cần thiết của dự án để giải quyết vướng mắc và thúc đẩy hiệu quả quản lý tài chính công. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng dự án luật sửa đổi quá nhiều nội dung, có các điều khoản chỉ sửa đổi nhỏ lẻ, không đáp ứng mục tiêu cấp bách.
Một số ý kiến yêu cầu thông qua luật trong 2 kỳ họp để có thời gian đánh giá kỹ lưỡng, tránh sửa đổi vội vàng gây xung đột với các quy định hiện hành và ảnh hưởng đến tính ổn định.
Một số ý kiến lo ngại các sửa đổi có thể gây khó khăn trong áp dụng thực tế và tạo ra sự không đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Có ý kiến cho rằng một số nội dung sửa đổi chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt là những nội dung liên quan đến Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán và các điều chỉnh về thuế, gây lo ngại về tính khả thi và khả năng áp dụng trong thực tiễn. Một số sửa đổi có thể gây ra xung đột hoặc không đồng bộ với các luật hiện hành và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nhiều ý kiến đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng tác động của các thay đổi về trách nhiệm thuế đến kinh doanh thương mại điện tử, cũng như các quy định trong Luật Quản lý thuế và Luật Kế toán.
Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và giải trình nhiều ý kiến nêu trên, cho biết đã thu gọn các nội dung chưa thực sự cấp bách; đồng thời tiếp tục rà soát và điều chỉnh các điều khoản có thể gây xung đột với các điều ước quốc tế.
Chẳng hạn, tại Luật Chứng khoán, khái niệm “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” và các hành vi bị nghiêm cấm đã được tiếp thu, làm rõ để giảm thiểu rủi ro và nâng cao tính minh bạch của thị trường. Dự thảo điều chỉnh theo hướng quy định chỉ cho phép các cá nhân tham gia mua bán trái phiếu doanh nghiệp nếu doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm hoặc tài sản bảo đảm. Với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, chế tài xử phạt được điều chỉnh tăng nặng, đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho thị trường.
Tuy nhiên, mặc dù có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định mô tả hành vi thao túng theo hướng khái quát hơn, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên các quy định chi tiết về hành vi này để thống nhất với Bộ luật Hình sự, đảm bảo việc xử lý hành vi thao túng không bị nhầm lẫn với các giao dịch thông thường.
Thảo luận tại hội trường sáng 7-11, đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị quy định cụ thể hơn những dự án nào, nguồn vốn nào được áp dụng cơ chế ngoài kế hoạch vốn trung hạn; tránh tình trạng tùy nghi trong sử dụng vốn đầu tư công trình, dự án; không tuân thủ nguyên tắc chung theo quy định của Luật Đầu tư công.
Về sử dụng ngân sách địa phương, ĐB đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định được sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng, phòng chống dịch; xóa nhà tạm; xây dựng các công trình trên đảo, khu vực biên giới và các trường hợp cấp thiết khác, để đảm bảo điều kiện cho các địa phương trong tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, ĐB Cường nêu rõ, tại một số địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị, cấp quận, phường không còn là một cấp ngân sách, mà chỉ là một cấp dự toán. Dù là cấp dự toán nhưng chính quyền địa phương cấp quận, phường vẫn được giao chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm.
Cơ chế thưởng nếu địa phương vượt thu sẽ rất khó thực hiện, vì theo quy định tại Luật hiện hành thì khoản thưởng vượt thu chỉ được thực hiện giữa các cấp ngân sách. Để tạo động lực thúc đẩy các địa phương, nhất là các quận, phường, trong việc tăng cường các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu, ĐB đề nghị bổ sung quy định áp dụng đối với những địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Theo đó “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định về cơ chế thưởng vượt thu so với dự toán đối với các cấp chính quyền địa phương là đơn vị được giao dự toán thu ngân sách hàng năm có vượt thu phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương”.
Bày tỏ quan tâm đến dự án Luật Kiểm toán độc lập, ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) đồng tình bổ sung đối tượng kiểm toán là “các doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định của chính phủ; doanh nghiệp, tổ chức khác theo quy định của luật có liên quan”.
“Luật hiện hành không quy định điều này dẫn tới một số doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn hay các công ty bất động sản không niêm yết, không đại chúng cũng không cần kiểm toán, gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội trong thời gian qua”, bà An Chung nêu rõ.
Về sửa đổi, bổ sung quy định xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, ĐB nhận định, quy định mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức và thời hiệu xử phạt là 5 năm là chưa phù hợp, bởi có độ “vênh”, cụ thể là tăng gấp 20 lần so với mức phạt tối đa mà Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập. Thời hiệu xử phạt dự thảo đưa ra là 5 năm, trong khi quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thời hiệu xử phạt tối đa là 2 năm.
ĐB băn khoăn: “Nếu điều chỉnh tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với kiểm toán thì có đặt ra vấn đề điều chỉnh tăng trong lĩnh vực kế toán hay không? Việc nâng mức phạt trong lĩnh vực kiểm toán lên gần với lĩnh vực có mức phạt cao nhất là chứng khoán liệu đã là hợp lý chưa, nếu so sánh với tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm?”.
Về Luật Quản lý sử dụng tài sản công, ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM) chỉ rõ, Luật chưa quy định dùng tài sản là quyền sử dụng đất để liên doanh liên kết. Thực tế trong khi ngân sách nhà nước cấp còn thiếu nhiều, các bệnh viện công lập mong muốn được liên doanh liên kết với các đơn vị, tổ chức xây mới cơ sở hạ tầng, và trang thiết bị y tế trên khuôn viên của bệnh viện.
Từ thực tiễn công tác của mình, ĐB khuyến nghị: “Ngoài việc được sử dụng các tài sản công theo quy định tại khoản 1, điều 58 để đưa vào liên doanh liên kết, thì quyền sử dụng đất cũng cần thiết được pháp luật quy định, vì trường hợp xây dựng mới cơ sở trên khuôn viên đất của bệnh viện thì quyền sử dụng đất phải được tính vào giá trị liên doanh liên kết để đảm bảo quyền lợi cho bệnh viện”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cũng đề cập đến vấn đề xác định giá trị tài sản thương hiệu của đơn vị sự nghiệp y tế trong liên doanh liên kết. Theo ông, giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp y tế là một tài sản vô hình lớn, được hình thành bởi nhiều yếu tố: từ truyền thống, tầm nhìn, hạng bệnh viện, uy tín, chất lượng điều trị, chuyên môn của đội ngũ bác sĩ và sự nhận biết từ phía người bệnh đối với cơ sở y tế.
“Luật cần quy định cụ thể trường hợp nào được xác định thẩm định theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, trường hợp nào được sử dụng xác định pháp luật về sở hữu trí tuệ, không nên quy định nhiều hình thức và chung chung như hiện nay”, ĐB nêu quan điểm.
Liên quan đến Luật Chứng khoán, ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM) góp ý về vấn đề giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phần của người lao động. Luật Chứng khoán hiện hành quy định về việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu thì phải giảm vốn điều lệ, quy định này áp dụng cho cả các trường hợp mua lại cổ phiếu của người lao động.
Phân tích rõ những lý do cho thấy điều này làm phát sinh nhiều thủ tục, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý, ĐB đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc không quy định bắt buộc giảm vốn điều lệ khi doanh nghiệp mua lại cổ phần của người lao động trong doanh nghiệp.