Đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền lợi hợp pháp của ngư dân Việt Nam
Chiều 15-5, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ, nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tại họp báo chiều 15-5. Ảnh: Hoàng Linh
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định:
"Lập trường của Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; tôn trọng quyền của các ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trong các vùng biển Việt Nam và các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; Không có các hành động làm phức tạp tình hình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, trật tự trên biển dựa trên luật lệ Biển Đông".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã giao thiệp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, và cũng đã trao công hàm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá nói trên.
Liên quan tới tình hình đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ về thuế quan, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: "Việt Nam đã và đang chủ động tích cực thúc đẩy hợp tác, đầu tư thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ trên tinh thần hiệu quả, thẳng thắn, xây dựng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và mang lại kết quả, lợi ích cho cả hai bên. Các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về chính sách áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang được triển khai". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, thông tin cụ thể sẽ được cập nhật sau.
Cập nhật tình hình bảo hộ công dân từ Myanmar về nước hiện nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, tính đến hôm nay (15-5), Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở Myanmar và Thái Lan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các cơ quan liên quan của Việt Nam và sở tại, đã đưa hơn 400 công dân về nước.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao vẫn tiếp tục làm việc, phối hợp với các bên liên quan nhằm đưa những công dân còn lại (khoảng 200 người) về nước trong thời gian sớm nhất có thể.