Đề nghị truy tố 3 cán bộ thuế và 52 bị can liên quan vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Ngày 29/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra; chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 55 bị can liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra; chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 55 bị can về các tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Môi giới hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã điều tra làm rõ, triệt phá 5 đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng “khủng” diễn ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Cán bộ thuế bị đề nghị truy tố đã “bảo kê” mua bán hóa đơn trái phép thế nào?

Theo kết quả điều tra: Từ năm 2018 đến năm 2023, các bị can Bùi Văn Bảo, Trần Văn Thịnh, Bùi Thanh Bình, Phạm Minh Cường, Nguyễn Khắc Điền đã thành lập, sử dụng 167 công ty “ma” để bán trái phép 88.485 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị hàng hóa/dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa bao gồm tiền thuế GTGT) là 13.060.439.510.687 đồng.

Các bị can trên đã thỏa thuận, bán hóa đơn cho các đối tượng trung gian/cá nhân/doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn với với mức phí từ 0.8% - 4%/tổng giá trị hóa đơn (chưa bao gồm thuế GTGT) và thu lợi bất chính hơn 128 tỷ đồng.

Phương thức, thủ đoạn phạm tội của các bị can trong vụ án này không mới, các đối tượng lợi dụng quy định pháp luật về tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp qua đó sử dụng giấy chứng minh nhân dân/căn cước công dân mua từ các tiệm cầm đồ hoặc mua qua mạng để đăng ký thành lập doanh nghiệp; đăng ký phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử nhằm thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là để che giấu hành vi phạm tội và được thuận lợi mua bán hóa đơn trái phép mà không bị các cơ quan chức năng phát hiện, 5 đối tượng cầm đầu các đường dây mua bán hóa đơn nêu trên đã móc nối, thỏa thuận đưa hối lộ cho Lê Thành Nhân (công chức Chi cục Thuế Khu vực Quận 12 - huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh); Trần Quốc Duy, Nguyễn Anh Tuấn (đều là công chức Chi cục Thuế Khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh); Vương Quốc Hùng (công chức Chi cục Thuế TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với mức “phí” từ 0.3% - 0.6%/tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa bao gồm thuế GTGT) mà các doanh nghiệp “ma” đã xuất bán.

Các cán bộ thuế đã thực hiện “bảo kê” như sau: Cung cấp các địa chỉ cho các đối tượng mua bán trái phép hóa đơn sử dụng để đăng ký/thay đổi điểm kinh doanh cho công ty “ma”.

Thông báo trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Chi cục Thuế đối với các công ty “ma” để các đối tượng mua bán trái phép hóa đơn chủ động đối phó.

Kiểm tra và hướng dẫn các công ty “ma” làm thủ tục tạm ngừng hoặc giải thể nếu bị đưa vào danh sách doanh nghiệp thuộc hệ số “K” (là loại doanh nghiệp có doanh số bán ra cao nhưng không có doanh số mua vào hoặc doanh số mua vào ít, chênh lệch nhiều với doanh số bán ra bị phát hiện bởi hệ thống phần mềm quản lý thuế tập trung). Hướng dẫn nội dung để người mua, sử dụng hóa đơn của các công ty “ma” giải trình với Cơ quan Thuế nhằm tránh cho các công ty “ma” bị đưa vào danh sách cảnh báo rủi ro về Thuế và chuyển thông tin cho các Cơ quan điều tra… Tổng cộng, các cán bộ thuế nêu trên đã nhận hối lộ với số tiền gần 13 tỷ đồng.

Được biết, trong vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn khởi tố bị can đối với Bùi Thanh Liêm (công chức Chi cục Thuế Khu vực Quận 7 - huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác đã làm trái công vụ, cùng đồng nghiệp thực hiện hành vi “tiếp tay” cho các đối tượng mua bán trái phép hóa đơn.

Tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như các cán bộ thuế trên đây sẽ bị xử lý thế nào theo quy định?

Theo điều 356, Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

"Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng".

Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án đã xâm phạm nghiêm trọng đến sự ổn định về kinh tế, chế độ quản lý thuế và đặc biệt ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan quản lý Nhà nước, cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-nghi-truy-to-3-can-bo-thue-va-52-bi-can-lien-quan-vu-an-dac-biet-nghiem-trong-179240830102612348.htm