Đề nghị truy tố cựu cán bộ Chi cục Thú y Vùng VI tiếp tay nhập khẩu trái phép sản phẩm động vật
Quá trình điều tra xác định cựu cán bộ Chi cục Thú y Vùng VI đã nhận tiền để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu trái phép sản phẩm động vật để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cơ quan CQĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố 23 bị can trong vụ án xảy ra tại Chi cục Thú y Vùng VI và các đơn vị liên quan.
Theo đó, Trần Nguyên Bình và Đỗ Thùy Nhung bị đề nghị truy tố về tội buôn lậu và đưa hối lộ. 14 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội buôn lậu.
5 bị can tại Chi cục Thú y Vùng VI, gồm: Bạch Đức Lữu (cựu chi cục trưởng), Trần Trung Nhân (cựu trưởng trạm kiểm dịch động vật), Lý Hoài Vũ (cựu chi cục phó), Nguyễn Minh Thành (cựu phó trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Cảng - Bưu Điện), Nguyễn Văn Trung ( cựu kiểm dịch viên) bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ.

Chi cục Thú y Vùng VI. Ảnh: TRẦN LINH
Bị can Phạm Trung Trực (chuyên viên Cục Thú y) bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị can Nguyễn Phú Thái (chuyên viên Cục Thú y) bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
So với KLĐT hồi cuối năm 2024, CQĐT đã đề nghị truy tố thêm 2 bị can là Trần Quốc Trung và Nguyễn Phú Thái.
Chỉnh sửa hồ sơ để nhập khẩu trái phép sản phẩm động vật
Theo kết luận điều tra, hiện nay Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu sản phẩm động vật như bột thịt, bột xương thịt, bột huyết... từ Châu Âu (trừ Nga và Hungary) do từng có dịch bệnh bò điên hoặc nguy cơ dịch bệnh bò điên… Trường hợp nhập khẩu sẽ phải qua cơ quan thú y quản lý, kiểm tra.
Vợ chồng Trần Nguyên Bình và Đỗ Thùy Nhung thành lập 6 doanh nghiệp cùng hoạt động tại một địa chỉ để nhập khẩu sản phẩm động vật sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Bình, Nhung đã chỉ đạo, phân công các bị can là nhân viên làm giả giấy chứng nhận kiểm dịch nước nhập khẩu, kê khai không đúng thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa... để nhập khẩu trái phép 2 lô hàng bột huyết động vật nhai lại từ Pháp, không đủ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam, trị giá 6,5 tỉ đồng.
Ngoài 2 lô hàng này, từ năm 2018 đến trước tháng 8-2023, Bình và Nhung đã chỉ đạo nhân viên nhập lậu 612 lô hàng, trị giá hơn 1.483 tỉ đồng.

Hai cựu chi cục trưởng và phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng VI: Bạch Đức Lữu (bìa trái) và Lý Hoài Vũ. Ảnh: Chi cục Thú y Vùng VI
Tại thời điểm khởi tố, vợ chồng Trần Nguyên Bình và Đỗ Thùy Nhung đã xuất cảnh bỏ trốn và chưa khắc phục hậu quả. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra thông báo truy nã quốc tế và có văn bản ngăn chặn việc giao dịch, chuyển nhượng, thế chấp tài sản đối với 2 bị can này.
Tương tự, đối các bị can thuộc Công ty TNHH Đại lý hàng hóa Việt Nam, Công ty TNHH đầu tư và phát triển Trung Chính, Công ty Cổ phần dinh dưỡng PMT đã có hành vi làm giả tài liệu, khai báo gian dối nguồn gốc xuất xứ để nhập khẩu các lô hàng hóa là sản phẩm động vật. Trị giá các lô hàng này từ 13,3 tỉ đồng đến hơn 47 tỉ đồng.
Trong đó, Công ty TNHH đầu tư và phát triển Trung Chính do Trần Quốc Trung (hiện đang bị truy nã) cùng hai cá nhân góp vốn thành lập 4 doanh nghiệp, hoạt động như một doanh nghiệp, với chung hệ thống nhân viên. Trung đã chỉ đạo các bị can là nhân viên nhập khẩu trái phép 18 lô hàng, trị giá hơn 47 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, CQĐT đã giám định kiểm tra dịch bệnh đối với các lô hàng tồn kho của công ty này, xác định nhiều lô hàng khai báo là bột xương lợn, bột gia cầm, bộ lông vũ... nhưng tạp nhiễm ADN bò. Ngoài ra, có 141.847 kg hàng hóa là sản phẩm động vật có nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Newcatxon. CQĐT đã cùng các đơn vị liên quan đã tiêu hủy số hàng nhiễm bệnh này.
Đưa tiền cho các bị can tại Chi cục thú y vùng VI để được tạo điều kiện
Cũng theo KLĐT, vợ chồng Trần Nguyên Bình và Đỗ Thùy Nhung đã móc nối với Trần Trung Nhân đưa tiền khoảng 2,9 tỉ đồng nhằm nhập khẩu trót lọt các lô hàng. Nhân còn nhận khoảng 3 tỉ đồng của các doanh nghiệp khác trong vụ án và 1 tỉ đồng từ Nguyễn Minh Thành (Trạm phó).
Tổng số tiền này được Nhân chia lại cho bị can Bạch Đức Lữu 2,1 tỉ đồng; đưa Lý Hoài Vũ 800 triệu đồng; đưa mỗi kiểm dịch viên trong trạm kiểm dịch 507 triệu đồng/tháng; chi phí ăn uống, cho lãnh đạo chi cục đi công tác... và sử dụng cá nhân 1 tỉ đồng.
Đối với bị can Phạm Trung Trực, dù biết hồ sơ đăng ký kiểm tra của nhóm Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Trung Chính không đầy đủ nhưng vẫn đề xuất Nguyễn Phú Thái giải quyết thủ tục đăng ký, kiểm tra chất lượng... tạo điều kiện để doanh nghiệp này nhập lậu 13 lô hàng.
Cũng theo KLĐT, đối với số tang vật hơn 12.549.821 kg bột đạm động vật nhập lậu của các doanh nghiệp trên, CQĐT đã ra quyết định xử lý vật chứng với hình thức bán niêm yết giá, thu về số tiền hơn 31 tỉ đồng, hiện đã nộp vào tài khoản tạm giữ của CQĐT.