ĐỀ NGHỊ XEM XÉT LẠI TUỔI NGHỈ HƯU CỦA GIÁO VIÊN

Trao đổi tại cuộc làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sáng 18/7, nhiều ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đề nghị xem lại tuổi nghỉ hưu của giáo viên.

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, Điều 46, dự thảo Luật Nhà giáo quy định, giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa - Trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa - Trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại cuộc làm việc

Góp ý quy định này, đại diện một số cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Đức Trọng cho rằng, do đặc thù của nghề nhà giáo, nhất là bậc mầm non, tiểu học, giáo viên nữ ngoài 50 tuổi có nhiều sa sút về sức khỏe. Vì vậy, đề nghị xem xét lại quy định này, có thể điều chỉnh về mức như trước, 55 tuổi; hoặc trong trường hợp giáo viên không bảo đảm sức khỏe, có thể cho nghỉ hưu sớm; hoặc có thể có khung độ tuổi nghỉ hưu cho giáo viên lựa chọn phù hợp với điều kiện sức khỏe và mong muốn của mình.

Về định danh nhà giáo, các ý kiến cho rằng, giáo viên chuyển sang làm cán bộ quản lý thì vẫn là nhà giáo, nhưng nhân viên trường học không thể là nhà giáo, vì không được đào tạo theo đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, chế độ, chính sách đối với nhân viên trường học cần có sự tương đồng với các đối tượng khác. Hiện nay, 3 tháng nghỉ hè, nhân viên cấp dưỡng trong trường học không được hưởng lương, phải đi làm công việc khác và khi vào năm học mới có thể không về lại trường làm việc nữa.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng sáng 18/7

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng sáng 18/7

Về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc. Bởi nếu đào tạo từ các trường sư phạm, giáo viên đương nhiên bảo đảm kiến thức, kỹ năng và được bồi dưỡng thường xuyên hằng năm. Nếu có, chứng chỉ hành nghề chỉ cần thiết đối với cơ sở tư thục; còn không cần thiết đối với trường công lập. Vì thế, yêu cầu về chứng chỉ hành nghề nên phân theo nhóm đối tượng và tùy thuộc vào đơn vị sử dụng giáo viên.

Báo cáo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo trên địa bàn huyện, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo Đức Trọng cho biết, từ năm 2015 đến nay, ngành giáo dục huyện đã tinh giản 319 biên chế theo quy định, dẫn đến phải co giảm lớp để bảo đảm cho số biên chế phải tinh giản trong khi số lượng học sinh hằng năm đều tăng.

Năm 2024, ngành được giao 2.021 biên chế và 78 hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ. Số lượng người làm việc của các trường thuộc UBND huyện hiện nay là 2.278 người (công lập 2.074; tư thục 204).

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88071