Đề nghị xử phạt vi phạm hành chính về tài nguyên nước và khoáng sản
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương lưu ý việc tính toán số lợi bất hợp pháp khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Ngày 4.5, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai thực hiện Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, có hiệu lực kể từ ngày 10.5.2020.
Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố lưu ý nội dung mới quy định của Nghị định 36 là tính toán số lợi bất hợp pháp khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Ngoài ra, để tránh tình trạng bị xử phạt vi phạm hành chính kèm theo biện pháp truy thu số lợi bất hợp pháp do thiếu thông tin, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tổ chức rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng, xả nước thải theo đúng quy định của pháp luật.
Các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, trường hợp phát hiện có vi phạm thì thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình đã khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhưng chưa có giấy phép cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
“Việc tính toán số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định,” công văn của Bộ TN&MT nêu rõ.
Trước đó, ngày 24.3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.