Để người dân dễ tiếp cận với nhà ở xã hội
Một trong những điểm mới của Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua mà cử tri, nhân dân đánh giá cao, đó là Luật đã quy định theo hướng giảm bớt các thủ tục hành chính, quy định các điều kiện, tiêu chí để các đối tượng thụ hưởng có thể dễ dàng được vay vốn mua nhà ở xã hội.
Giải ngân vẫn còn hạn chế
Với sự phát triển nhanh về đô thị, các khu công nghiệp thì nhu cầu về nhà ở xã hội đối với người dân, người thu nhập thấp, công nhân lao động ngày càng lớn. Do đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 đã nêu rõ, phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội. Tuy vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, hiện chúng ta đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Mặc dù đã đi hơn nửa chặng đường, song trong giai đoạn 2021 - 2025 số căn hộ hoàn thành thực tế chỉ đạt 4,5% so với kế hoạch.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thời gian qua, chúng ta chưa có chính sách ưu đãi đủ mạnh đối với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Thủ tục giao đất mất nhiều thời gian. Pháp luật về nhà ở yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mới phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội rất khó triển khai vì không phù hợp với điều kiện của các đô thị lớn có quỹ đất hạn hẹp.
Bên cạnh đó, thủ tục, điều kiện mua nhà ở xã hội còn khá phức tạp. Các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải bảo đảm đủ 3 điều kiện: chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện… Quy định này làm khó cho cả người dân và chính quyền khi phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, khó khăn trong việc xác nhận các điều kiện. Đây là trong những nguyên nhân dẫn đến người dân khó tiếp cận với nhà ở xã hội, hoặc tiếp cận được thì người mua cũng mệt vì thủ tục!
Trong lúc tiếp cận nhà ở xã hội vẫn còn khó khăn, thì gói chính sách tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thực sự là một tin vui với đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách này vẫn chậm. Trả lời chất vấn của đại biểu xung quanh sự chậm trễ này tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, triển khai chương trình này, hiện nay có 18/63 Ủy ban nhân dân tỉnh đã gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình và công bố trên Cổng thông tin điện tử 53 dự án, với tổng nhu cầu vay là 27.000 tỷ đồng. Đến nay các ngân hàng đã giải ngân được gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh thành. “Giải ngân gói này vẫn còn hạn chế” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thẳng thắn nhận định.
Đẩy mạnh thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Để người dân dễ dàng tiếp cận được với nhà ở xã hội thì bảo đảm nguồn cung là điều rất quan trọng. Theo đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023 đã quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Theo đó, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Với việc không phải thực hiện thủ tục xác định tiền sử dụng đất sẽ giúp rút ngắn thủ tục đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định theo hướng giảm bớt các thủ tục hành chính, quy định các điều kiện, tiêu chí để các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội có thể dễ dàng được vay vốn mua nhà ở xã hội. Theo đó, các đối tượng là người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở và thu nhập theo quy định (tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 78) và được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội và phải đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng (Điểm a Khoản 3 Điều 78). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc về điều kiện, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với nhà ở xã hội.
Liên quan đến chính sách nhà ở xã hội, trong Nghị quyết 109/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư, đối với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội cũng nêu rõ, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và có giải pháp phù hợp sử dụng hiệu quả gói cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội cho vay đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. Đối với lĩnh vực xây dựng, Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương triển khai hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Với yêu cầu của Quốc hội, cùng với đó là những chính sách hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, tin rằng, trong thời gian tới, ước mơ về một nơi an cư lạc nghiệp của người thu nhập thấp sẽ sớm trở thành hiện thực.