Để người khuyết tật có việc làm, hòa nhập cuộc sống
Anh Lê Thanh Lưu tham gia lớp học nghề mộc tại TP Tuy Hòa. Ảnh: KIM CHI
Công tác hỗ trợ việc làm cho lao động là người khuyết tật (NKT) trong thời gian gần đây được các cơ quan chức năng quan tâm, chú trọng. Ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia công tác giáo dục, tạo việc làm cho NKT.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu NKT từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số. Còn tại Phú Yên, theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, đến đầu năm 2020, toàn tỉnh có 26.749 NKT, trong đó nữ là 13.312 người.
Trợ giúp tìm việc làm phù hợp
Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu trên 600 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 90% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
Để giúp NKT tự tin hòa nhập với cộng đồng, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm và tập trung triển khai các cơ chế, chính sách trợ giúp hiệu quả. Các ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho NKT được hưởng các chế độ, chính sách, bảo trợ xã hội; khuyến khích NKT tham gia học nghề để tạo việc làm, giúp họ hòa nhập cuộc sống.
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Hoạt động trợ giúp NKT kiếm việc làm thời gian qua gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do bệnh tật, sức khỏe giảm sút, một bộ phận NKT không có khả năng lao động hoặc có khả năng nhưng khó tìm được việc làm phù hợp. Một số NKT có sức khỏe, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, dự án cố gắng vươn lên kiếm được nghề, ổn định cuộc sống.
Theo Sở LĐ-TB-XH, hoạt động trợ giúp học nghề và tạo việc làm cho NKT đa số do Hội Người mù vận động, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Một số NKT khác thì được hỗ trợ xe lăn, xe lắc để bán vé số; tạo điều kiện học nghề...
Anh Lê Thanh Lưu ở huyện Phú Hòa khuyết tật nghe nói bẩm sinh nên tìm được việc làm ổn định đối với anh quả rất khó khăn. Năm 2019, nhờ có các tổ chức hỗ trợ NKT, chỉ sau một thời gian ngắn theo học nghề mộc tại cơ sơ gần nhà (kinh phí học nghề do các tổ chức hỗ trợ), anh đã có thể đóng được bàn ghế và đang tiến đến học chạm trổ điêu khắc gỗ.
Ông Hoàng Tự Điển, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết: Để tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm, những quy định của hội luôn thay đổi linh hoạt theo chính sách của Nhà nước để phù hợp với xu thế, khả năng, điều kiện từng địa phương, từng gia đình, giúp hội viên từng bước tháo gỡ khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2015-2020, nhiều hội viên là NKT mù đã có việc làm, thu nhập ổn định.
Chị Phạm Thị Kim Loan là một trong nhiều hội viên Hội Người mù huyện Tuy An được trợ giúp học nghề, có việc làm ổn định, chia sẻ: “Ngoài nguồn vốn vay của hội, hội viên người mù còn được vay vốn qua các kênh khác như: Quỹ xóa đói giảm nghèo, Hội LHPN, Hội Nông dân. Nhờ vậy, hội viên chúng tôi có thêm nguồn vốn để phụ gia đình chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ phát triển kinh tế gia đình”.
Hỗ trợ sinh kế
Theo ông Đinh Viết Hậu, với số lượng NKT nhiều, bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức vì NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt mọi mặt của nhóm người yếu thế này. Các hoạt động trợ giúp NKT được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp để họ có việc làm, vươn lên trong cuộc sống như: hỗ trợ phục hồi chức năng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, trợ giúp tìm việc làm phù hợp từng người, theo từng dạng khuyết tật, xây mới, sửa chữa nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết.
Trong giai đoạn 2021-2015, toàn tỉnh phấn đấu trên 600 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 90% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
“Tỉnh cũng sẽ tiếp tục thực hiện trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho NKT; xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề đối với NKT linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo phù hợp với nghề đào tạo, hình thức đào tạo thông qua các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là NKT hoặc của NKT. Đồng thời nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với NKT; xây dựng mô hình hỗ trợ NKT khởi nghiệp, mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với NKT, mô hình HTX có NKT tham gia chuỗi giá trị sản phẩm. Ưu tiên thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, phụ nữ khuyết tật, NKT và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm”, ông Hậu cho biết.