Để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
ĐBP - Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 6.731 người khuyết tật (NKT), trong đó 3.887 NKT là nam (chiếm 57%). Để giúp NKT hòa nhập với cộng đồng, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ NKT nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Gia đình anh Giàng A Dy, bản Hua Rốm, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) chăm sóc bò giống được hỗ trợ từ Dự án tăng cường dịch vụ chăm sóc mắt và thúc đẩy một cộng đồng hòa nhập tại tỉnh Điện Biên (ảnh chụp tháng 6/2020).
Bà Lò Thị Thoa, Trưởng phòng Chính sách Thương binh - Liệt sĩ và Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Nhằm trợ giúp NKT vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho NKT. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được các sở, ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền tăng cường, đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội đối với NKT. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung liên quan đến NKT được triển khai thông qua các cơ quan truyền thông (Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh), tuyên truyền trực tiếp hoặc lồng ghép trong các cuộc hội nghị, cuộc họp, các đợt sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư... Với nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, như: Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Luật NKT; Luật Bình đẳng giới; chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực, chống phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật...
Công tác chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT có sự chuyển biến tích cực, việc thực hiện chính sách trợ giúp NKT được triển khai đúng quy định, đảm bảo mọi NKT đều được hưởng chính sách trợ giúp như nhau và kịp thời, với 5.569 người (chiếm 83%) được cấp Giấy xác nhận khuyết tật và 5.296 NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Công tác vận động, huy động mọi nguồn lực để triển khai nhiều các hoạt động chăm sóc giúp đỡ, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần đối với NKT cũng được tích cực thực hiện. Từ sự hỗ trợ kịp thời và thường xuyên nên ngày càng có nhiều NKT đã vượt qua khó khăn, nhất là sự mặc cảm, tự ti để tự chủ cuộc sống, làm nhiều việc có ích cho xã hội.
Anh Giàng A Dy, ở bản Hua Rốm, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) bị khuyết tật câm điếc, gia đình thuộc hộ nghèo, nguồn kinh tế chỉ phụ thuộc vào việc làm nương của 2 vợ chồng. Nắm được hoàn cảnh của gia đình anh Dy, tháng 6/2020, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã kết nối với Dự án Tăng cường dịch vụ chăm sóc mắt và thúc đẩy một cộng đồng hòa nhập tại tỉnh Điện Biên hỗ trợ sinh kế cho gia đình anh 1 con bò giống với trị giá 12.000.000 đồng. Mặc dù, không thể nghe nói, nhưng khi được nhận bò giống, niềm vui đã không thể giấu được qua ánh mắt và nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt anh Dy. Anh Dy biết rằng, con bò vàng, lông mượt óng, khỏe mạnh kia đã là tài sản của gia đình, là động lực giúp anh vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Là đơn vị đại diện cho NKT và những người yếu thế, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã trở thành nơi kết nối tình nhân ái, sự sẻ chia giữa các nhà hảo tâm với NKT. Bà Phạm Thị Vịnh, Chủ tịch Hội cho biết: Hội đã phối hợp với các đơn vị, các nhà tài trợ hỗ trợ sinh kế (trâu, bò lợn, gà, cá, máy khâu); làm nhà, mái nhà cho hộ NKT khó khăn, tặng xe lăn cho NKT, tặng học bổng, xe đạp cho trẻ khuyết tật... giúp NKT giảm bớt khó khăn, phát triển kinh tế. Thời gian tới, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống NKT, hội sẽ tập trung hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; đồng thời tạo điều kiện để họ tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội, xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT.
Giai đoạn 2021 - 2030, chương trình trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh được triển khai với các hoạt động: Giúp NKT tiếp cận dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; phát triển hệ thống dịch vụ và mô hình giáo dục NKT có hiệu quả; xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề đối với NKT linh hoạt; tăng cường thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý; xây dựng các mô hình hỗ trợ NKT khởi nghiệp, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với NKT... Tuy nhiên, để NKT thực sự hòa nhập, bình đẳng và có đời sống tốt hơn nữa, rất cần thêm sự chung tay của cả cộng đồng nhằm có thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ cho NKT một cách căn cơ và bài bản.