Để người nông dân không bỏ ruộng vườn
Ông Huỳnh Ngọc Trúc (xã An Mỹ, huyện Tuy An) chăm sóc vườn rau được trồng theo hướng an toàn sinh học - Ảnh: THÁI HÀ
Năng suất thấp, giá nông sản bấp bênh, thời tiết thất thường, thu nhập ít ỏi… là những lý do khiến ngày càng nhiều người muốn rời nông thôn để không còn phải chịu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhưng cũng không ít người nông dân yêu mến ruộng vườn, kiên trì học hỏi cách làm hay, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cho năng suất cao, có thu nhập từ thửa ruộng mảnh vườn.
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Thường (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) có đến 7-8 mẫu ruộng. Lấy công làm lời, hạn chế thuê mướn nên anh Thường tận dụng công lao động của gia đình. Công việc thì cực nhọc, mùa vụ bấp bênh, giá cả không ổn định nên lần lượt những anh chị em trong gia đình anh Thường rời quê vào thành phố lao động kiếm sống.
Trăn trở rất nhiều với đời sống của người nông dân hiện nay, ông Trần Văn Thu, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho rằng, Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tích cực đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nông thôn mới mà đời sống người nông dân còn khó khăn, ngày càng nhiều người “ly nông”, “ly hương” là điều rất trăn trở. Theo ông Thu, bên cạnh những nỗ lực của người dân, các cơ quan quản lý cũng cần có quy hoạch ngành Nông nghiệp hợp lý, không để xảy ra tình trạng cứ thấy một mô hình sản xuất hiệu quả thì khuyến khích nông dân nuôi trồng tràn lan, rồi khi sản phẩm không bán được, người nông dân lại phải tự xoay xở với những khó khăn của mình.
Bên cạnh cuộc “dịch chuyển” từ quê lên phố, không ít người nông dân vẫn kiên trì bám trụ với đồng ruộng, thậm chí nhiều người từ phố về quê để đầu tư làm nông nghiệp theo hướng hiện đại.Đơn cử, ông Huỳnh Ngọc Trúc (61 tuổi, xã An Mỹ, huyện Tuy An) đã chọn phương pháp canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học và tiếp cận với các đơn vị bán lẻ uy tín để tiêu thụ sản phẩm. Nguồn nước cung cấp cho rau trong vườn của ông Trúc được lấy từ giếng khoan sâu hơn 100m dưới lòng đất; các mẫu đất, phân bón hữu cơ, nước đều qua kiểm nghiệm an toàn. Hiện tại, các sản phẩm của gia đình ông Trúc được bán với giá 45.000-50.000 đồng/kg rau, gấp 5-6 lần các loại rau thông thường. Các sản phẩm rau củ của gia đình ông cũng được Siêu thị Aone, siêu thị nổi tiếng khó tính của Nhật Bản thu mua, thậm chí nhiều sản phẩm còn quay lại cung cấp cho thị trường Đà Lạt.
Không trồng bắp để bán trái và lấy thân cho bò, hiện nay, nhiều hộ dân của huyện Tuy An đã tham gia chuỗi sản xuất bắp chế biến thành thức ăn ủ chua cung cấp cho gia súc. Không phải lo đầu ra, người dân trồng bắp thu hoạch đến đâu sẽ có đơn vị thu mua đến đó. Ông Đỗ Văn Sáu (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) cho biết, nếu những cây trồng khác cũng ổn định như cây bắp thì họ rất yên tâm, tập trung sản xuất, không phải đi làm thuê, làm mướn ở các thành phố lớn.
Theo ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, hàng năm, tỉnh đều triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, theo đó, các cấp Hội Nông dân đã chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương lớn trong nông nghiệp “dồn điền, đổi thửa”, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”; đẩy mạnh các hoạt động liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ... Tuy Hội Nông dân đã có nhiều nỗ lực nhưng nhà nông cũng cần mạnh dạn đầu tư, dám thay đổi lối canh tác, chủ động tìm đầu ra mới có thể tìm được thị trường cho nông sản.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/221792/de-nguoi-nong-dan-khong-bo-ruong-vuon.html