Để nhà đầu tư tổ chức 'gánh' thị trường trái phiếu
Sau những vụ việc xử lý vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay. Chúng ta thường nói về các giải pháp để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cá nhân nhưng bỏ qua một thực tế rằng các nhà đầu tư tổ chức mới là đối tượng chính của thị trường này.
Để khôi phục thị trường TPDN cần tập trung thay đổi chính sách, khuyến khích sự tham gia của nhóm nhà đầu tư tổ chức. Đến khi thị trường hồi phục trở lại, lành mạnh và bền vững hơn tự khắc sẽ hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân qua các sản phẩm khác nhau trong đó có việc tham gia vào các quỹ trái phiếu.
Hiện cơ sở nhà đầu tư TPDN của Việt Nam chủ yếu tập trung vào ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cá nhân. Các định chế tổ chức bao gồm công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư trái , quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí và các công ty đầu tư tài chính còn tham gia rất hạn chế.
Trong khi đó, các công ty bảo hiểm bị hạn chế không được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ theo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đi vào hiệu lực đầu năm 2023 và các quỹ đầu tư đang chịu sự ràng buộc với những hạn chế đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với một số tiêu chí chưa gắn theo sự phân biệt về chất lượng tín dụng hay xếp hạng tín nhiệm theo như thông lệ trong khu vực.
Để phát triển thị trường TPDN về trung và dài hạn thì Việt Nam chúng ta nên rà soát các quy định hiện nay nhằm xem xét mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức vào thị trường này.
Thứ nhất, với các tổ chức tín dụng. Đây vẫn là nhóm nhà đầu tư lớn trên thị trường vốn của Việt Nam. Vì vậy, nên xem xét mở rộng điều kiện tham gia việc mua bán TPDN theo hướng kiểm soát tỷ lệ an toàn vốn ngoài việc áp dụng tiêu chí đơn lẻ là phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% như hiện nay.
Ngoài ra, việc tổ chức tín dụng tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể áp dụng hệ số rủi ro được xác định theo chất lượng tín dụng với việc tham chiếu đến kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập thay vì áp dụng hệ số rủi ro phân theo ngành nghề hiện nay. Đây là thông lệ quản trị rủi ro theo chuẩn Basel 3. Ví dụ, các TPDN của tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản nhưng có mức xếp hạng cao tương ứng với rủi ro thấp có thể áp dụng hệ số rủi ro thấp hơn mức 200% - 250% như hiện nay.
Thứ hai, với các công ty bảo hiểm. Hiện ngành này đang quản lý số tiền đầu tư khoảng 800 ngàn tỷ đồng đến từ các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đang được cấp phép và hoạt động tại Việt Nam nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm không cho phép đầu tư vào TPDN được phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ. Điều này đã làm hạn chế sự tham gia của nhóm nhà đầu tư này vào kênh TPDN.
Thực tế, mặc dù có nhiều trường hợp tái cơ cấu nợ trái phiếu gắn với sự khó khăn của doanh nghiệp nhưng nhìn rộng hơn, hoạt động phát hành TPDN với mục đích cơ cấu lại nợ là hoạt động thông thường của các doanh nghiệp.
Chúng tôi đã thực hiện xếp hạng một số doanh nghiệp với mức xếp hạng rất cao (A) nhưng họ có hoạt động phát hành tái cơ cấu nợ nhằm tối ưu về kỳ hạn và lãi suất và nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư là công ty bảo hiểm nhưng quy định hiện nay hạn chế sự tham gia của nhóm nhà đầu tư tổ chức này. Thực tế, tỷ suất lợi tức trái phiếu giao dịch trên HNX cũng ở mức khá thấp và phản ánh mức rủi ro thấp của tổ chức phát hành đó và các lô trái phiếu của họ.
Thứ ba, với nhóm các quỹ đầu tư bao gồm quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Chúng ta có thể xem xét rà soát các chính sách nhằm tạo lợi thế cho các quỹ này phát triển nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp thông qua các đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp được cấp phép và quản lý bởi đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp.
Thứ tư, nên xem xét các giải pháp nhằm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện nhằm khuyến khích nhóm nhà đầu tư này tăng quy mô tài sản và phân bổ đầu tư vào TPDN với một tỷ lệ nhất định nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn của quỹ.
Thứ năm, nhóm các nhà đầu tư do Chính phủ quản lý bao gồm Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đơn vị quản lý vốn nhà nước như SCIC. Việc tham gia của các đơn vị Nhà nước này sẽ góp phần đa dạng hóa kênh đầu tư ngoài trái phiếu Chính phủ, tiền gửi kho bạc và tiền gửi vào ngân hàng thương mại.
Thứ sáu, Việt Nam hiện thiếu các định chế tài chính trung gian trong đó có nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng hoặc bảo lãnh trái phiếu.
Khác với bảo lãnh phát hành, bảo lãnh tín dụng hay bảo lãnh trái phiếu được hiểu là bảo lãnh thanh toán, tức là bên đứng ra bảo lãnh sẽ thực hiện cam kết thanh toán một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành trong trường hợp rủi ro xảy ra tức là tổ chức phát hành không thể thực hiện nghĩa vụ nợ đã cam kết.
Hiện trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có một số lô trái phiếu bảo lãnh thanh toán bởi ngân hàng thương mại và phần còn lại chủ yếu là bảo lãnh doanh nghiệp được thực hiện bởi công ty trong cùng một tập đoàn đối với tổ chức phát hành TPDN.
Tuy nhiên, số lượng trái phiếu được bảo lãnh còn ít và chủ yếu là các trái phiếu được mua bởi các công ty bảo hiểm. Các trái phiếu chào bán ra công chúng hầu như chưa được ngân hàng hoặc một định chế tài chính có tiềm lực tài chính và xếp hạng tín nhiệm cao tham gia bảo lãnh thanh toán.
Vì vậy, Việt Nam nên cân nhắc hình thành khung pháp lý thành lập một số tổ chức cung cấp dịch vụ bảo lãnh tín dụng trong đó có bảo lãnh trái phiếu được thực hiện ngoài các tổ chức tín dụng. Tổ chức bảo lãnh này có thể do tư nhân thành lập và hoạt động bởi các định chế tài chính – đầu tư lớn của Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
Quỹ bảo lãnh này không chỉ giới hạn ở các trái phiếu của các ngân hàng thương mại mà cả trái phiếu của các doanh nghiệp với những tiêu chí nhất định về chất lượng tín dụng hoặc mức xếp hạng tín nhiệm.
Vai trò của định chế cung cấp dịch vụ bảo lãnh này là nhằm tạo chất xúc tác và niềm tin để các nhà đầu tư tham gia mua các trái phiếu có kỳ hạn dài và được các tổ chức bảo lãnh uy tín cao như vậy đảm bảo nghĩa vụ thanh toán toàn bộ hoặc từng phần khi rủi ro xảy ra. Đây là định chế rất tốt để kích thích phát triển cơ chế đầu tư và đưa dòng tiền nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp vào kênh đầu tư dài hạn thay vì chỉ tập trung gửi tại ngân hàng.
Ngoài ra, các tiêu chí để được bảo lãnh có thể bao gồm việc ưu tiên các trái phiếu có kỳ hạn dài (năm năm trở lên) nhằm kích thích chức năng đầu tư của thị trường vốn và có các cấu phần hỗ trợ cho tăng trưởng xanh theo các quy định về phân loại xanh (vẫn trong quá trình dự thảo) nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam và qua đó hướng tới việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/de-nha-dau-tu-to-chuc-ganh-thi-truong-trai-phieu.html