Để nhà xe không bỏ bến chạy 'dù'

Việc kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng chưa tương xứng nên 'xe limousine', xe hợp đồng 'trá hình' hoạt động như xe khách tuyến cố định càng có cơ hội phát triển, đến mức khó kiểm soát. Thực trạng này đã và đang tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gián tiếp đẩy các nhà xe bỏ bến ra ngoài tìm cách 'lách' luật để hoạt động, gây ra nhiều hậu quả như thất thu thuế, ùn tắc, tăng nguy cơ tai nạn giao thông…

Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiểm tra điều kiện hoạt động của xe khách tại Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Tuấn Khải

Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiểm tra điều kiện hoạt động của xe khách tại Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Tuấn Khải

Hàng trăm phương tiện bỏ bến

Ngày 29-8 vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu và đình chỉ khai thác chuyến xe (nốt xe) đối với 11 phương tiện của 7 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải theo tuyến cố định.

Căn cứ để ra quyết định, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long, là do các phương tiện này không hoạt động trên tuyến trong 60 ngày liên tục, vi phạm Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Đây không phải là lần đầu tiên, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội ban hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu, đình chỉ khai thác tuyến, nốt xe đối với các phương tiện do lỗi trên. Tình trạng này đã diễn ra liên tục trong khoảng 4-5 năm trở lại đây.

Đại diện Bến xe Giáp Bát cho biết, hiện bến có gần 100 nốt xe của hàng chục doanh nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động với tỷ lệ rất thấp. Phần lớn xe bỏ nốt hoạt động trên các tuyến đi Thanh Hóa, Nam Định và Ninh Bình. Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam cũng thông tin, tình trạng xe bỏ bến xảy ra từ năm 2018 đến nay. Hiện, Bến xe Nước Ngầm có gần 200 nốt xe bỏ bến, chưa kể một số nốt có tần suất hoạt động rất thấp.

Còn tại Bến xe Mỹ Đình, không ít nhà xe hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ hoặc bỏ bến. Các nhà xe đều đưa ra lý do xe hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn… Tuy nhiên, thực tế là không ít nhà xe bỏ bến ra ngoài chạy “dù”.

Trong số các nhà xe vi phạm, điển hình là các phương tiện của nhà xe Hải Bình và Trần Anh… Các nhà xe này đã tự chấm dứt hợp đồng tại Bến xe Nước Ngầm và lập văn phòng phía ngoài, trên đường Trần Thủ Độ, Ngọc Hồi để gom khách, hoạt động như tuyến cố định.

Sửa luật, tăng cường kiểm tra, xử phạt

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện số xe đăng ký kinh doanh vận tải theo tuyến cố định chỉ khoảng 21.000 xe nhưng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (chủ yếu là "xe limousine") lên đến hơn 180.000 xe (gấp hơn 8 lần).

Xe đăng ký tuyến phải nộp thuế, phí vào bến, trong khi xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định không phải nộp loại phí này. Một bộ phận hành khách ngại di chuyển ra bến, muốn được đưa đón tận nhà, đón xe dọc đường hoặc ở các điểm tập trung (bến “cóc”) khiến tình hình vi phạm càng trở nên phức tạp. Lực lượng chức năng mỏng, không đủ người để bố trí chốt chặn hết tại các khu vực, tuyến đường, trong khi các nhà xe vi phạm luôn tìm đủ cách để đối phó, thậm chí có lực lượng cảnh giới cơ quan chức năng. Tình trạng xe “dù”, bến “cóc” chỉ lắng xuống khi thanh tra giao thông, công an tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý.

Vi phạm nhiều nhưng việc kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng chưa tương xứng nên xe hợp đồng “trá hình” hoạt động như xe khách tuyến cố định càng có cơ hội phát triển đến mức khó kiểm soát. Thực trạng này đã và đang tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gián tiếp đẩy các nhà xe đang hoạt động trong bến bỏ ra ngoài, tìm cách “lách” luật để hoạt động, gây ra nhiều hậu quả như thất thu thuế, ùn tắc giao thông, tăng nguy cơ tai nạn, mất mỹ quan đô thị…

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, nhiều quy định của pháp luật về vấn đề này không còn phù hợp. Các điều kiện, yêu cầu quản lý đối với vận tải hành khách theo hợp đồng quá lỏng lẻo. Vì vậy, cần mở rộng quyền chủ động cho các đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định và bến xe, nhất là việc tăng, giảm tần suất chạy xe trên tuyến để phù hợp cung - cầu thị trường. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm.

Về phía người dân, ông Nguyễn Thành Long (ngõ 61 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, để hành khách vào bến, bến xe và các nhà xe phải nâng cao chất lượng phục vụ; có phương tiện trung chuyển phù hợp để kết nối với các bến xe, tạo thuận lợi cho hành khách.

Được biết, Bộ Giao thông - Vận tải đang hoàn thiện dự thảo nghị định quản lý vận tải bằng xe ô tô. Đáng chú ý, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể bị thu hồi đăng ký khai thác tuyến đối với nốt xe nếu trong 1 tháng thực hiện dưới 70% tổng số chuyến đã đăng ký (quy định hiện hành là không hoạt động trên tuyến liên tục trong 60 ngày). Việc sửa đổi này nhằm bảo đảm đơn vị vận tải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo đúng phương án chạy xe đã đăng ký; hạn chế việc chỉ đăng ký để giữ chỗ nhưng không hoạt động.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-nha-xe-khong-bo-ben-chay-du-640826.html