Dễ như chạy quảng cáo… nói xấu, lừa đảo
Một hôm, Facebook cá nhân tôi hiện lên một bài viết được quảng cáo về một người đồng hương. Khác với các bài gắn nhãn 'tài trợ', trong bài viết này nội dung tập trung vào vấn đề rất riêng tư: người đồng hương gắn với nghi vấn lừa tình, quỵt tiền… Điều đáng nói, bài viết có đầy đủ hình ảnh, thông tin về số điện thoại, địa chỉ nhà…
Hay một lần khác, Facebook của tôi cũng hiển thị các clip dưới danh nghĩa học viện cảnh sát, công ty luật… với nội dung hỗ trợ người bị lừa đảo lấy lại tiền bị lừa. Tương tự, các clip này đều được “chi tiền” để chạy quảng cáo, tiếp cận người dùng thực.
Cứ thế, việc chạy quảng cáo để bêu xấu người khác hay lừa đảo ngày càng một nở rộ. Hệ thống quảng cáo trên các nền tảng như Facebook giờ đây không còn là sân chơi cho các doanh nghiệp nhằm quảng bá, thu hút khách hàng mà còn bị lợi dụng để bôi xấu, đe dọa, đòi nợ, lừa đảo… Tất nhiên, theo quy định của Facebook, các hành vi kể trên là vi phạm chính sách và bị cấm. Nhưng cơ chế kiểm duyệt này lại rất dễ “qua mặt” bằng nhiều cách vô cùng đơn giản.
Ví dụ, để nói xấu ai đó, người dùng chỉ cần lập một Fanpage sau đó khéo léo xây dựng nội dung để “lừa” Facebook rồi chi tiền chạy quảng cáo. Điều đáng bàn, Facebook sẽ “hỗ trợ” tiếp cận đến đúng nơi cần… nói xấu. Như trong trường hợp đồng hương của tôi, người đứng sau đã biết địa chỉ nhà nên dễ dàng chạy quảng cáo tiếp cận đến họ hàng, làng xóm, người cùng quê. Lúc này “tiếng dữ đồn xa”, nạn nhân trở nên “nổi tiếng” trên mạng xã hội và phải chịu vô số áp lực từ dư luận.
Hay trong trường hợp chạy quảng cáo lừa đảo, các tổ chức/cá nhân đứng đằng sau dễ dàng cắt ghép hình ảnh, clip của công an/luật sư rồi chạy quảng cáo với nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa”. Chưa kể, nhiều clip còn được gắn logo của các đơn vị truyền thông như đài truyền hình, báo chí hay dùng hình ảnh các nhân vật có sức ảnh hưởng… cũng dễ dàng “qua mặt” Facebook để tiếp cận người dùng thật nhằm mục đích lừa đảo.
Và hậu quả sẽ cực kỳ kinh khủng: các quảng cáo bôi nhọ người khác sẽ lan truyền mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người trong cuộc; các quảng cáo lừa đảo sẽ khiến những nạn nhân từng bị lừa tiền bị lừa thêm lần nữa.
Đặc biệt, với những người dùng có tuổi, sống ở nông thôn, thiếu kiến thức về Internet càng dễ tin vào những gì được hiển thị ngay trang Facebook của mình. Câu hỏi đặt ra lúc này là: liệu các nền tảng như Facebook có đang “làm ngơ” cho những quảng cáo trá hình? Và chúng ta cần làm gì trước thực trạng này?
Bằng chứng, tôi từng thử báo cáo những quảng cáo này trên Facebook nhưng đều nhận được câu trả lời “nội dung quảng cáo không vi phạm chính sách”. Thậm chí, nhiều quảng cáo còn không hiện công cụ báo cáo cho người dùng nữa. Cứ thế, các cá nhân/tổ chức có mục đích xấu có sẵn trong tay công cụ, chịu chi một ít tiền là có thể vùi dập một người, một nhãn hàng hay đi lừa đảo xuyên biên giới.
Báo chí từng lên tiếng về các quảng cáo khám chữa bệnh trái phép như “nhà tôi ba đời chữa sỏi thận”, “tôi cam kết chữa khỏi 100%”… Sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng Google phát triển một thuật toán chặn lọc. Kết quả đáng mừng, chúng ta đã chặn được cơ bản các loại quảng cáo này trên YouTube.
Có lẽ bây giờ Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nên vào cuộc, làm việc với Facebook để phát triển một thuật toán chặn, lọc các quảng cáo bêu xấu, lừa đảo người dùng Việt Nam. Có như thế mới tạo ra một không gian mạng sạch, nơi người dùng có thể kết nối, an tâm sống và làm việc.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-nhu-chay-quang-cao-noi-xau-lua-dao/