Để những bài viết có 'chỗ đứng' trong lòng bạn đọc

BHG - Giống như các nghề khác, viết báo cũng là một nghề mà ở đó người viết, những nhà báo phải lao động, sáng tạo và nỗ lực không ngừng để khẳng định mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác”. Câu nói của đồng chí Nguyễn Phú Trọng thực sự đã lột tả hết vai trò của nghề báo và trách nhiệm của người làm báo.

Nền báo chí Cách mạng Việt Nam đã ra đời, phát triển trong gần 100 năm qua, đó thực sự là bề dày đáng nể với những tên tuổi báo chí trở thành người thầy của các thế hệ làm báo nước ta, như: Bác Hồ, Võ An Ninh, Hữu Thọ, Hoàng Tùng… Đó là những tấm gương cho biết bao thế hệ làm báo và ngày nay, trong sự phát triển của báo chí hiện đại, chúng ta đã và đang có lớp nhà báo nhanh nhạy, chuyên nghiệp, có hệ thống báo chí đa dạng, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nghề báo tiếp tục khẳng định vai trò một nghề cao quý, nhưng cũng gánh trên vai mình đầy thử thách. Sự nhọc nhằn của nghề chính là thử thách cho những ai muốn dấn thân vào công việc này.

Phóng viên tác nghiệp tại gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm khuyến nông. Ảnh: ĐỨC QUÝ

Phóng viên tác nghiệp tại gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm khuyến nông. Ảnh: ĐỨC QUÝ

Viết báo không dễ, để khẳng định mình, có những bài viết “sống” được trong lòng bạn đọc lại càng không dễ dàng chút nào. Đối với người có đam mê nghề báo, những bước chân đầu tiên vào nghề cũng không hề dễ chút nào, bởi đam mê thôi chưa đủ, nghề báo còn đòi hỏi người viết cần phải có đủ tố chất với nghề, như có khả năng viết tốt, có đủ phông kiến thức, vốn từ ngữ, có khả năng thính nhạy, sự sẵn sàng dấn thân, kiên trì, chịu khó, chịu khổ… Một ai đó thấy sự nhẹ nhàng, phong thái đĩnh đạc, tự tin bên ngoài của những nhà báo có thể nghĩ rằng, làm nghề báo… “sướng” thì đã nhầm. Thực tế, phía sau sự nhẹ nhàng, tự tin và có phần ung dung là những ngày tháng rèn luyện, phấn đấu không ngừng để đến được với nghề và có chỗ đứng trong nghề; đó là biết bao sự nhẫn nại, linh hoạt, chịu khó, sự lăn lộn và sáng tạo để tìm đề tài, vấn đề, nhiều khi là sự nguy hiểm và thách thức.

Để một bài báo hay ra đời, có thể là bao đêm đèn khuya, bao sự trăn trở kiếm tìm, nuôi dưỡng ý tưởng, đề tài, sự lăn lộn cơ sở và tấm lòng thấu hiểu, đồng cảm. Một công việc nào đó có thể xuề xòa, nhưng với nghề viết, chỉ một từ chưa đúng thôi, một con số sai thôi cũng có thể gây nên những chuyện không hay với người viết, đối tượng được viết hoặc bị… viết. Vì thế bao bài viết, đặc biệt là bài điều tra, phản ánh, những bài có tính lí luận, người viết thường phải cắn bút, vò đầu, thao thức với đề tài. Và như có lần một đồng nghiệp của tôi từng ví vui, nhưng đầy thấm thía rằng, nghề báo là nghề… “ăn óc” mình.

Phóng viên Báo Hà Giang và Báo Quân khu II tác nghiệp tại một sự kiện ở địa phương.

Phóng viên Báo Hà Giang và Báo Quân khu II tác nghiệp tại một sự kiện ở địa phương.

Để một bài viết được đăng trên báo đã không dễ, nhưng để có được bài viết có “chỗ đứng”, có sức sống trong lòng bạn đọc lại càng không dễ. Thực tế, ở một tòa soạn nào đó, sẽ có người viết báo gần như rất ít bạn đọc biết tới, bởi một lẽ sản phẩm họ làm ra cứ đều đều, các bài viết, tin tức chung chung, không có gì nổi bật, không có cá tính, không phải là những đề tài mới, phát hiện, đề tài được bạn đọc, người dân quan tâm. Thậm chí, có người viết chủ yếu viết đi viết lại một mảng đề tài, viết bám quanh một địa bàn, lối viết “xuân thu nhị kỳ”, đều đều những bài chung chung. Có thể các bài viết đó sẽ không có người đọc, thậm chí trong thời đại 4.0, mạng xã hội và công nghệ số sẽ giúp bạn đọc lọc những tin tức nhàm, không có sức hút, không có sức ảnh hưởng. Vì thế, cũng sẽ có những người viết ít được bạn đọc nhớ tới.

Ngược lại, bằng sự dấn thân, sự đam mê nghề báo, sự thính nhạy với các vấn đề của đời sống xã hội và một ngòi bút sắc bén, có tâm, nhiều người viết đã từng bước xây dựng cho mình đôi cánh để vươn lên khẳng định tên tuổi trong nghề báo. Những bài viết, phóng sự, ký sự, tin tức nóng hổi chứa đựng hơi thở và sức sống thực tiễn chính là điều giúp cho các tác phẩm báo chí có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, người dân và làm cho người viết được bạn đọc biết tới. Có bài viết mang sức mạnh và giá trị có thể góp sức vào những đổi thay, phát triển của quê hương, của từng lĩnh vực đời sống xã hội. Những bài báo có đủ sự thuyết phục về thực tiễn và lí luận còn góp phần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhìn nhận thực tế khách quan để đổi mới, bổ sung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một cách linh hoạt, sáng tạo hơn, mang lại hiệu quả phát triển tốt hơn.

Đất nước đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ, trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí cần không ngừng đổi mới, đồng thời cũng là công cụ góp phần thúc đẩy đổi mới, tiến bộ. Nhiều người trong số chúng ta còn nhớ từ năm 1987 trên Báo Nhân dân có Chuyên mục “Những việc cần làm ngay”. Chuyên mục đặc biệt này kéo dài đến năm 1990, với hàng chục bài viết cực kỳ ý nghĩa và thời cuộc, tiếp thêm động lực, thôi thúc công cuộc đổi mới, tư duy đổi mới đất nước với nhiều bài viết thấm đẫm lí luận, thực tiễn và tâm huyết của người viết. Những bài báo với bút danh N.V.L trải qua mấy chục năm vẫn không bị quên lãng, nó là một chứng nhân cho công cuộc đổi mới đất nước. Điều đó như một sự khẳng định, những bài báo có sức sống, có hơi thở cuộc sống, có trách nhiệm cộng đồng và có tâm đức của người viết sẽ có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, nhân dân.

Bài, ảnh: PHÙNG NGUYÊN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202406/de-nhung-bai-viet-co-cho-dung-trong-long-ban-doc-7a1543d/