Để những chuyến xe 'đi đến nơi, về đến chốn'

Vào những dịp nghỉ lễ dài ngày, nhu cầu đi lại bằng xe khách của người dân dự báo sẽ tăng đột biến, do vậy, công tác phòng ngừa tài xế xe khách sử dụng chất kích thích được đặc biệt chú trọng. Tại Hà Nội, lực lượng CSGT cùng các đơn vị chức năng liên quan đã khởi động chiến dịch kiểm tra toàn diện vận tải hành khách, trong đó tập trung kiểm tra nồng độ cồn và ma túy với các tài xế.

Không để ùn tắc “phủ bóng” kỳ nghỉ lễ

Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, không khí làm việc tại Phòng CSGT Công an TP Hà Nội diễn ra hết sức khẩn trương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Nhận thức rõ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 là cao điểm về lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, các đội chức năng và đội CSGT địa bàn đã tổ chức họp khẩn để triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên toàn địa bàn thành phố.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT TP Hà Nội cho biết, kỳ nghỉ lễ kéo dài là thời điểm nhu cầu đi lại, du lịch, thăm thân của người dân tăng đột biến. Điều này dẫn đến áp lực lớn về giao thông, đặc biệt tại các tuyến vành đai, cửa ngõ ra vào thành phố, các bến xe liên tỉnh, khu du lịch, trung tâm thương mại và điểm vui chơi công cộng. Lực lượng CSGT xác định đây là các “điểm nóng” cần tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để tổ chức điều tiết giao thông hợp lý, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc kéo dài và tai nạn nghiêm trọng.

CSGT đo nồng độ cồn với tài xế xe khách.

CSGT đo nồng độ cồn với tài xế xe khách.

Theo đó, các đội CSGT địa bàn căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm giao thông từng khu vực để bố trí lực lượng chốt trực 24/24 tại các nút giao trọng yếu, khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc. Ngoài ra, lực lượng tăng cường còn tổ chức tuần tra lưu động, ứng trực xử lý nhanh các sự cố phát sinh, tai nạn hoặc các tình huống bất thường gây cản trở giao thông.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn như: vi phạm về tốc độ, sử dụng rượu bia khi lái xe, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng ma túy, chở quá số người quy định, chạy sai tuyến, quá thời gian lái xe liên tục... Việc xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc, kiên quyết theo đúng tinh thần Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông trong toàn xã hội.

Đặc biệt, các tổ công tác liên ngành do CSGT chủ trì đã triển khai nhiều đợt kiểm tra đột xuất tại các bến xe lớn như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm... Nội dung kiểm tra không chỉ dừng lại ở giấy tờ pháp lý, điều kiện kỹ thuật phương tiện mà còn bao gồm kiểm tra hệ thống giám sát hành trình, chất lượng camera, kiểm tra nồng độ cồn và chất kích thích đối với lái xe. Đây là những biện pháp nhằm phát hiện và ngăn chặn sớm các nguy cơ gây mất an toàn cho hành khách, đồng thời siết chặt kỷ cương trong hoạt động vận tải hành khách dịp lễ.

Không chỉ nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, người dân Thủ đô cũng bày tỏ sự đồng thuận và đánh giá cao sự chủ động của lực lượng CSGT. Anh Nguyễn Văn Tùng (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), một tài xế chạy xe dịch vụ lâu năm, chia sẻ: “Năm nay, tôi thấy lực lượng CSGT ra quân sớm hơn mọi năm, có mặt tại nhiều điểm giao thông phức tạp. Sự có mặt kịp thời của các anh giúp lái xe như tôi yên tâm hơn khi tham gia giao thông dịp lễ”.

Chị Trần Thị Hồng Nhung (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), một người dân có kế hoạch về quê nghỉ lễ cùng gia đình, cho biết: “Những ngày này, tôi thường xuyên theo dõi thông tin phân luồng trên fanpage của CSGT Hà Nội. Việc cập nhật tuyến đường tránh ùn tắc giúp người dân chủ động hơn rất nhiều. Tôi đánh giá cao việc áp dụng công nghệ và truyền thông trong công tác điều hành giao thông”.

Ngoài ra, nhiều người dân cũng ghi nhận sự thay đổi tích cực trong việc xử lý các hành vi vi phạm. Ông Lê Minh Thành (phường Hàng Bột, quận Đống Đa) chia sẻ: “Việc kiểm tra ma túy và nồng độ cồn đối với lái xe khách rất quan trọng. Tôi tin rằng nếu thực hiện nghiêm túc và thường xuyên, sẽ giảm được nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế thiếu kiểm soát”.

Để tăng hiệu quả đảm bảo TTATGT, lực lượng chức năng cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, lực lượng thanh niên tình nguyện và các đơn vị truyền thông. Mục tiêu là hình thành mạng lưới hỗ trợ, phản ứng nhanh, đồng thời lan tỏa ý thức chấp hành luật lệ giao thông trong cộng đồng.

Với tinh thần “lấy sự an toàn, thông suốt của người dân làm mục tiêu phục vụ”, toàn lực lượng CSGT TP Hà Nội đang nỗ lực hết mình để đảm bảo một kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 diễn ra an toàn, thuận lợi, góp phần xây dựng hình ảnh giao thông Thủ đô văn minh, kỷ cương, hiện đại.

Ngăn chặn hiểm họa sau vô lăng

Tại các bến xe lớn như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa... những ngày qua cho thấy sự chủ động, quyết liệt từ lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất kích thích, hành trình vận tải, giấy tờ xe và giấy phép lái xe. Điều đáng mừng là phần lớn tài xế chấp hành tốt, có thái độ hợp tác, thậm chí nhiều người còn bày tỏ sự ủng hộ vì cho rằng đây là cách bảo vệ chính họ và hành khách.

Tài xế Nguyễn Đức Bình (sinh năm 1980, lái xe tuyến Hà Nội - Nam Định) không hề tỏ ra khó chịu mà rất vui khi được kiểm tra bởi qua kết quả của lực lượng CSGT càng giúp hành khách trên xe yên tâm hơn hành trình sắp tới sẽ diễn ra an toàn “đi đến nơi, về đến chốn”.

Chia sẻ về công việc của mình, nam tài xế cho biết, nghề vận tải hành khách luôn có những áp lực rất lớn về thời gian cho mỗi chuyến xe bởi điều này đồng nghĩa với chi phí mà doanh nghiệp cũng như tài xế thu được sẽ nhiều hơn. Bởi vậy, nhiều tài xế chạy đêm đã tìm tới chất kích thích để tỉnh táo hơn nhưng việc này có thể dẫn đến tai nạn, không kiểm soát được tốc độ. Vì thế, khi chạy đường dài, nếu tài xế cảm thấy mệt thì nên ghé vào đâu đó nghỉ, đến khi tỉnh táo mới đi tiếp. Việc lực lượng CSGT kiểm tra liên tục như hiện nay giúp giảm tình trạng dùng chất kích thích và cánh tài xế nâng cao ý thức về việc đảm bảo TTATGT.

Đồng quan điểm trên, tài xế Nguyễn Như Hùng (sinh năm 1985, lái xe tuyến Hà Nội - Ninh Bình) cho biết: “Đa số tài xế lâu năm đều hiểu rõ mức độ nguy hiểm của rượu bia, ma túy khi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, một số tài xế trẻ tuổi hoặc mới vào nghề còn chủ quan. Có người còn nói uống vài lon bia không sao, lái vẫn tốt, nhưng tai nạn không chừa ai. Chỉ cần một khoảnh khắc mất kiểm soát là hậu quả khôn lường”. Anh Hùng nhấn mạnh: “Ngoài lực lượng CSGT, vai trò của các doanh nghiệp vận tải là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần tập huấn thường xuyên, ký cam kết, thậm chí gắn thiết bị kiểm soát hành vi tài xế. Nếu buông lỏng quản lý thì vi phạm vẫn có đất tồn tại”.

Không chỉ ở xe khách, các vi phạm còn diễn ra trong xe đưa đón công nhân, học sinh - vốn đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn cao hơn. Điển hình, ngày 26/4 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, lực lượng CSGT phát hiện 2 tài xế chở hàng chục công nhân có nồng độ cồn vượt quy định. Hành vi này khiến nhiều người phẫn nộ bởi nó đặt tính mạng tập thể vào tình thế nguy hiểm.

“Việc uống rượu rồi lái xe là không thể chấp nhận được, đặc biệt khi lái xe đưa đón đông người. Đây không chỉ là vi phạm luật mà còn là vô trách nhiệm với cộng đồng. Thực trạng vi phạm nồng độ cồn vẫn rất phức tạp, một phần do tâm lý “nhờn luật”, phần khác vì nhận thức chưa đầy đủ. Chúng tôi không chỉ xử phạt mà còn tuyên truyền, vận động để thay đổi hành vi bền vững”, một cán bộ CSGT cho biết.

Ngoài các đợt cao điểm, lực lượng CSGT đang ứng dụng công nghệ vào giám sát như camera AI nhận diện biển số, phân tích hành vi vi phạm tại các nút giao thông, tích hợp dữ liệu vi phạm với cơ sở quản lý giấy phép lái xe.

Nói về vi phạm nồng độ cồn cũng như ma túy, Đại tá Trần Đình Nghĩa nhấn mạnh đây là một trong những hành vi vi phạm hết sức nguy hiểm, đặc biệt đối với hoạt động vận tải hành khách. Chỉ cần một tài xế có đam mê bia rượu có thể khiến hàng chục gia đình tan nát, người chết, kẻ vào tù, người mang thương tật suốt đời. Đó là những nỗi đau không gì bù đắp được, nỗi đau ấy ám ảnh họ đến hết cuộc đời.

Theo thống kê từ Cục CSGT, từ ngày 1/1 đến ngày 31/3/2025, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 728.818 trường hợp vi phạm TTATGT. Trong đó xử lý vi phạm nồng độ cồn 149.931 trường hợp; người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy 994 trường hợp.

Những con số cho thấy tình trạng “nhờn luật” đang xuất hiện trở lại trong một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông không chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT, mặc dù đã biết các chế tài xử phạt đã được tăng nặng. Để chấn chỉnh hình thành thói quen tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông.

Kiểm tra camera giám sát hành trình trên xe khách nhằm phát hiện hành vi vi phạm giao thông.

Kiểm tra camera giám sát hành trình trên xe khách nhằm phát hiện hành vi vi phạm giao thông.

Việc xử lý vi phạm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” từ đó tạo lập và hình thành văn hóa tham gia giao thông “văn minh”, “hiện đại” và “an toàn”; vận hành, khai thác, điều khiển đèn tín hiệu giao thông nhằm phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, phòng ngừa giải quyết ùn tắc giao thông; quản lý việc sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cho người dân được nhanh chóng từ cấp cơ sở...

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, muốn giải quyết triệt để tình trạng vi phạm thì cần tăng chế tài xử phạt, đặc biệt với các hành vi tái phạm. Theo đó, nên đưa vào danh sách cấm hành nghề tạm thời đối với tài xế vi phạm nhiều lần về nồng độ cồn, đồng thời bổ sung trách nhiệm liên đới cho doanh nghiệp quản lý”.

Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng và doanh nghiệp, cần có sự giám sát xã hội từ người dân. Bà Nguyễn Thị Hằng (Thủy Nguyên, Hải Phòng), một hành khách thường xuyên đi tuyến Mỹ Đình - Hải Phòng chia sẻ: “Tôi mong có hệ thống phản ánh nhanh hành vi tài xế vi phạm qua điện thoại, mạng xã hội để người dân có thể góp tiếng nói”.

Thực tế ghi nhận của phóng viên Báo CAND cùng với lực lượng CSGT Hà Nội cũng cho thấy tình trạng tài xế xe khách vi phạm nồng độ cồn vẫn tồn tại. Đơn cử, vào tối 16/4, tổ công tác của Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) do Đại úy Trần Xuân Lâm làm tổ trưởng được phân công thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát khu vực quốc lộ 1B - vành đai 3 trên cao đã tiến hành dừng kiểm tra đối với xe khách giường nằm BKS: 38B-014.XX.

CSGT sau đó xác định tài xế T.V.T. (SN 1983) điều khiển xe khách 38B-014.XX đi không đúng tuyến đường được cấp phép (từ bến xe Nước Ngầm ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi Hà Tĩnh). Thời điểm kiểm tra, trên xe có 9 hành khách. Cùng với đó, tổ công tác phát hiện tài xế T. vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,091 mg/L khí thở. Lái xe này cho biết đã uống bia trong bữa tối.

Việc Hà Nội đồng loạt ra quân kiểm tra ma túy và nồng độ cồn của tài xế xe khách là minh chứng cho quyết tâm bảo đảm TTATGT và xây dựng một môi trường giao thông lành mạnh, văn minh. Những nỗ lực này không chỉ góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn đáng tiếc mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của các tài xế trong việc tuân thủ pháp luật. Để chiến dịch đạt hiệu quả lâu dài, cần sự đồng hành của cả cộng đồng, từ các doanh nghiệp vận tải đến từng hành khách, chung tay xây dựng một hệ thống giao thông an toàn và bền vững.

Nguyễn Thắng - Ngọc Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/de-nhung-chuyen-xe-di-den-noi-ve-den-chon-i767219/