Để những con đường đến trường an toàn
Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do các em học sinh điều khiển xe máy (gồm cả xe chạy xăng và xe điện) gây ra, làm nhiều em thương vong. Hiện nay, số lượng học sinh sử dụng phương tiện cá nhân ngày càng lớn, trong đó, chủ yếu là xe máy, xe điện nhưng nhiều em không nắm rõ quy định của pháp luật và cũng chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do các em học sinh điều khiển xe máy (gồm cả xe chạy xăng và xe điện) gây ra, làm nhiều em thương vong. Hiện nay, số lượng học sinh sử dụng phương tiện cá nhân ngày càng lớn, trong đó, chủ yếu là xe máy, xe điện nhưng nhiều em không nắm rõ quy định của pháp luật và cũng chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Với thiết kế gọn, nhẹ, tiện lợi, giá rẻ, nhiều hình dáng, mẫu mã đẹp, các loại xe đạp, xe máy điện hoặc xe ga chạy xăng dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 đang được nhiều bậc cha mẹ lựa chọn mua cho con em mình là học sinh phổ thông đi học. Tuy nhiên, do tính an toàn của một số phương tiện không cao, cộng thêm ý thức tham gia giao thông của các em còn hạn chế, hay lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, các phương tiện này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT. Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, khoảng 90% số vụ TNGT liên quan học sinh độ tuổi từ 16 đến 18 trong thời gian gần đây chủ yếu sử dụng xe đạp, xe máy điện hoặc xe gắn máy dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; 70% số vụ TNGT gây thương vong do học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện gây ra. Những dòng xe này thường không đòi hỏi người điều khiển bắt buộc phải có giấy phép lái xe, lực lượng cảnh sát giao thông cũng ít chú ý đến loại xe này. Vì thế, các em cứ vô tư điều khiển xe trên đường, trong khi chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng lái xe an toàn, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Ra đường, không khó để bắt gặp học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường, vừa lái xe vừa nhắn tin, hoặc đi ngược chiều, đeo tai nghe nghe nhạc,... Những trường hợp này, nếu có tình huống bất ngờ xảy ra, các em không quan sát và xử lý kịp thời thì TNGT xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Gần đây, trên phạm vi cả nước, đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe. Điển hình, vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra ngày 12-3-2021 tại Hải Phòng do hai học sinh (sinh năm 2005, chưa đủ tuổi để lái xe mô-tô và chưa có giấy phép lái xe), đã điều khiển xe gắn máy va chạm với ô-tô khiến hai em tử vong. Ngày 11-3-2021, tại Vĩnh Phúc, hai học sinh (sinh năm 2004) điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng với tốc độ cao đã cố tình đâm vào lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, khiến một chiến sĩ cảnh sát giao thông bị thương. Trước đó, tháng 2-2021 tại Gia Lai, cũng xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm bốn người trên xe máy tử vong (người điều khiển chưa có giấy phép lái xe). Theo đó, tối 14-2, Ksor Khúc (SN 2002, trú tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) điều khiển xe máy BS 81S1-159.37 chở theo Siu H’Yưng (SN 2001, trú tại xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) đi trên đường Hồ Chí Minh, khi đến khu vực xã la H’rú (huyện Chư Pưh) đã va chạm với xe máy BS 81X1-010.59 (chưa rõ người điều khiển) trên xe có Rmah Chưng (SN 2001), Kpă Giăng (SN 2003) và Siu H’Yin (SN 2006), cả ba cùng trú xã Ia H’rú. Hậu quả, Rmah Chưng, Ksor Khúc, Siu H’Yưng bị chết tại chỗ; Kpă Giăng chết trên đường đi cấp cứu; Siu H’Yin bị đa chấn thương.
Siết chặt quản lý
Nhằm ngăn chặn các vụ TNGT tương tự, đồng thời bảo đảm ATGT cho thanh, thiếu niên, Ủy ban ATGT quốc gia đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm của người tham gia giao thông bằng mô-tô, xe máy, xe đạp điện. Trong đó, chú trọng đối tượng là thanh niên, thiếu niên với các hành vi vi phạm như điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe, không đội mũ bảo hiểm,... tăng cường cung cấp thông tin về học sinh vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT cho các cơ sở giáo dục để phối hợp giáo dục và xử lý. Các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn phối hợp cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy, không điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe phù hợp; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền và hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn với xe máy, xe đạp, xe máy điện. Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên địa phương cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong các nhà trường trong việc giữ gìn trật tự ATGT; vận động học sinh, sinh viên giữ gìn văn hóa giao thông, tổ chức các hoạt động giúp thanh, thiếu niên hoàn thiện kỹ năng tham gia giao thông an toàn; lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm có chất lượng; cách nhận diện và phòng tránh các tình huống có nguy cơ xảy ra TNGT.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông cần yêu cầu cha mẹ học sinh ký và thực hiện cam kết với nhà trường về việc bảo đảm ATGT cho con em mình; không giao xe mô-tô, xe gắn máy cho con em mình điều khiển khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe phù hợp. Cha mẹ và gia đình có trách nhiệm phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn trước khi cho phép con em mình điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện. Không nên chủ quan cho con em mình sử dụng xe đạp điện khi còn quá nhỏ tuổi; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe đạp điện để kịp thời phát hiện, sửa chữa những hỏng hóc. Các lực lượng chức năng như cảnh sát kinh tế, hải quan, thuế, quản lý thị trường,… cần phối hợp kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh xe đạp điện. Các xe nhập khẩu phải có chứng từ nhập khẩu phù hợp, đăng ký kiểm tra chất lượng, được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, dán tem chất lượng trước khi lưu thông. Lực lượng chức năng cũng cần kiểm tra chất lượng xe lưu thông trên thị trường, đánh giá thông số kỹ thuật, chất lượng của các cơ sở kinh doanh định kỳ hằng năm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ ý thức của chính các em học sinh tham gia giao thông, tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm túc quy định khi tham gia giao thông. Các em nên tìm hiểu và lựa chọn các phương tiện công cộng để phục vụ việc đi lại thường xuyên của bản thân nhằm bảo đảm ATGT và chống ùn tắc giao thông, giữ an toàn cho bản thân trên con đường đến trường.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/de-nhung-con-duong-den-truong-an-toan--640004/