Để những mô hình 'Buổi sáng với nhân dân' thu hút và hiệu quả
Mới đây, câu chuyện TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) triển khai mô hình 'Buổi sáng với nhân dân' được dư luận, người dân trong cả nước hết sức quan tâm, ủng hộ và đồng tình.
Chương trình Buổi sáng với nhân dân nhằm lắng nghe ý kiến, góp ý của người dân, giải quyết cụ thể những bức xúc, phản ánh của nhân dân hoặc khi người dân đi làm các thủ tục hành chính
Cụ thể, chủ tịch UBND TP Biên Hòa sẽ dành 1 giờ vào mỗi buổi sáng (từ 7h-8h vào các ngày làm việc trong tuần) để lắng nghe ý kiến, giải quyết các phản ánh, bức xúc của người dân. Địa điểm tiếp công dân là Trụ sở tiếp công dân TP Biên Hòa.
Theo thông báo, chủ tịch UBND TP Biên Hòa đề nghị công dân liên hệ Ban tiếp công dân thành phố để đăng ký nội dung yêu cầu và cung cấp hồ sơ liên quan để cuộc tiếp xúc dân có hiệu quả, chất lượng. Sau khi nhận được hồ sơ, kiến nghị của dân, UBND TP Biên Hòa sẽ có thư mời thông báo đến từng người dân về thời gian, địa điểm tiếp nhằm hạn chế việc các hộ dân đến liên hệ nhưng không gặp được lãnh đạo thành phố.
Có thể thấy, mô hình Buổi sáng với nhân dân mà TP Biên Hòa vừa triển khai đi vào hoạt động là hình thức tiếp nối những mô hình tương tự tại một số địa phương, tỉnh thành khác.
Điển hình như UBND tỉnh Đồng Tháp, vào tháng 8 năm 2023, Trung tâm Hành chính công của tỉnh này đã triển khai mô hình "Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính". Từ đó đến nay cứ đều đặn vào thứ hai hàng tuần, trong khoảng thời gian từ 9h 30 đến 11 giờ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở ngành đã có mặt tại Trung tâm Hành chính công để gặp gỡ người dân, doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục hành chính.
Cách đây bảy năm trước cũng tại tỉnh này, UBND tỉnh đã thành lập mô hình "Cà phê doanh nhân-Doanh nghiệp" được nhân dân, đặc biệt là khối cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm và đánh giá cao vì thể hiện chính quyền gần gũi, đồng hành, lắng nghe để kịp thời tháo gỡ các khúc mắt cho doanh nghiệp.
Hay như, tại một số thành phố, huyện lỵ, thị xã, xã, phường của tình Bình Dương, nhiều năm qua cũng đã triển khai mô hình “Gần dân, sát dân và giúp dân”. Từ mô hình này, ý kiến phản ánh của người dân được lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng địa phương lắng nghe, tích cực tháo gỡ; đồng thời còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con tham gia đóng góp ý kiến. Các buổi gặp gỡ còn là dịp gắn kết mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, tạo tâm lý thoải mái cho người dân khi trình bày các vướng mắc của mình...
Có thể thấy, từ việc các địa phương, cụ thể là lãnh đạo, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố với những chủ trương, sáng kiến, thành lập và triển khai các mô hình “Buổi sáng với nhân dân”, "Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính", "Cà phê doanh nhân-Doanh nghiệp" hay mô hình “Gần dân, sát dân và giúp dân”… đã phần nào cho thấy tư tưởng chính quyền đô thị gần dân và sát dân trên thực tế đã được triển khai và thực hiện, lan tỏa sâu rộng. Hay nói cách khác, đây là điều thực sự đáng mừng. Đó chính là sự cầu thị, quan tâm, biết lắng nghe những đóng góp, ý kiến và cả những phản ánh, bức xúc của người dân và doanh nghiệp của người đứng đầu chính quyền địa phương, là Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố, thông qua đó không chỉ tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính mà còn tạo được một chính quyền thân thiện, gần gũi với người dân, doanh nghiệp, là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, phụng sự vì dân, vì doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính từ đó cũng được công khai, minh bạch và rõ ràng, tạo niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp vào bộ máy công quyền.
Thế nhưng điều mà người dân và doanh nghiệp cần và thật sự quan tâm nhiều nhất chính là những mô hình này cần phải luôn luôn thật sự "nóng", có hiệu quả và lan tỏa sâu rộng. Tức là việc tiếp công dân, doanh nghiệp nhằm lắng nghe ý kiến, đóng góp cùng với những phản ánh, bức xúc của người dân nhằm để tháo gỡ những vướng mắc về các thủ tục hành chính, chính sách thông qua các mô hình cần phải thực chất và cần phải hiện thường xuyên và định kỳ; đúng với tiêu chí cũng như phương châm trong việc “sáng lập” ra các mô này, là để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp.
Để làm được điều này và để duy trì, giữ các mô hình này luôn “nóng” thực chất và có hiệu quả, không ai khác chính là ban lãnh đạo, cụ thể là người đứng đầu chính quyền địa phương, là Chủ tịch tỉnh, thành phố, hay lãnh đạo các sở ban ngành cần quán triệt quan điểm cũng như tư tưởng trong chỉ đạo và hành động, cốt làm sao cho các mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả và tính thực chất. Cùng đó là việc xử lý rốt ráo các thủ tục, những vấn đề pháp lý phát sinh, xử lý nhanh chóng các vi phạm, sai phạm khi có phản ánh, chứ không chỉ sáng tạo, thành lập rồi tồn tại trong một thời gian ngắn hoặc nhanh chóng rơi vào trường hợp bị lãng quên.