Để những 'tế bào'của nền kinh tế khỏe mạnh
ĐBP - Tỉnh Điện Biên kết thúc năm 2022 với tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10,19%; đứng thứ 2/14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 14/63 tỉnh thành cả nước. Song đằng sau con số tăng trưởng nổi bật đó sẽ là những thách thức đối với duy trì tăng trưởng khi năm 2023 dự báo tình hình thế giới, trong nước tiếp tục có những thời cơ và những khó khăn mới. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, một trong số đó là những khó khăn của khu vực doanh nghiệp.
Công nhân Công ty TNHH Đoàn Lân thi công dự án Trường THCS Thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo). Ảnh: Văn Tâm
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến các doanh nghiệp “khó chồng khó”. Sau dịp nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần, số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, cộng với giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao đã làm các doanh nghiệp hầu như mất hết cơ hội tăng trưởng. Các nguồn lực không thể lưu thông, doanh thu giảm mạnh do phải cắt giảm sản xuất kinh doanh thậm chí tạm dừng hoạt động, trong khi chi phí cố định vẫn phải chi để đáp ứng quy định phòng, chống dịch.
Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy tính năng động trong sản xuất kinh doanh, dần khẳng định vai trò tích cực đối với sự phát triển của tỉnh; hàng năm đóng góp trên 50% tổng số thu ngân sách tại địa bàn, tạo việc làm ổn định cho hơn 40.000 lao động. Bên cạnh đó cộng đồng doanh nghiệp còn tích cực tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội, từ thiện như: Tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật; xây dựng nhà ở cho hộ nghèo... trên địa bàn tỉnh.
Song quá trình hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận nguồn lực, vốn, thị trường, nâng cao năng lực… Đơn cử như vấn đề hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp. Ngày 20/5/2022 Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh để khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19 với mức lãi suất hỗ trợ là 2%/năm. Tuy nhiên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không thể vay vốn vì khó đáp ứng được điều kiện, quy định; có nhiều thủ tục, quá trình thẩm định khá phức tạp. Trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên càng khó tiếp cận vì không dễ chứng minh năng lực tài chính, nguồn lực. Một số doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt nhưng lại kinh doanh ngành nghề dịch vụ, không có tài sản đảm bảo nên cũng khó tiếp cận các khoản vay.
Năm 2022, toàn tỉnh có 110 doanh nghiệp thành lập mới; 72 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký, thông báo hoạt động trên địa bàn song cũng có tới 73 doanh nghiệp, 10 chi nhánh văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động và có 14 doanh nghiệp, 1 chi nhánh giải thể tự nguyện.
Do đó, mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực trong những tháng cuối năm 2022, nhưng để kinh tế năm 2023 có khởi đầu thuận lợi, một trong những nhiệm vụ quan trọng là gỡ khó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Gỡ khó cần đúng, đủ, kịp thời
Việc kịp thời chuyển trạng thái phòng chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước ta đã tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, cộng đồng doanh nghiệp cả nước, trong đó có các doanh nghiệp tỉnh Điện Biên đã thích ứng tốt với bối cảnh mới để từng bước phục hồi và phát triển. Có thể nói, đại dịch Covid-19 cũng khiến những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp được bộc lộ, nhưng cũng tạo ra động lực để doanh nghiệp đổi mới, tái cấu trúc. Trên đà tăng trưởng của những tháng cuối năm 2022, dự báo những tháng đầu năm 2023 kinh tế sẽ tiếp tục phát triển song các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao nội lực, sức chống chịu hơn nữa để có thể ứng phó với những biến động.
Bên cạnh việc doanh nghiệp phải chủ động đổi mới, nâng cao năng lực thì các cấp chính quyền, ngành chức năng cần nắm bắt sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2022), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô khẳng định: Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Điện Biên sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư; đầu tư xây dựng, quản lý khai thác các dự án, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại hiệu quả đầu tư lâu dài, bền vững trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn hiện nay, yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp là chuyển đổi số cần được tiếp cận đúng đắn, hiệu quả hơn. Ngày 6/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3179/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; làm cho bộ máy công quyền ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Chuyển đổi số sẽ giúp giải quyết những bất cập về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, mở ra phương thức kinh doanh mới, đa dạng hóa thị trường. Do đó, các cấp, ngành cần triển khai thực hiện tốt chương trình đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng.
“Cạnh tranh bình đẳng” là điều các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất mong chờ. Bởi nếu có sự quan tâm công bằng thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ một cách bình đẳng. Mặc dù thời gian qua một số vấn đề về: Tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính… đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập ở cấp sở, ngành, cấp huyện. Đây cũng là lý do chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” trong các chỉ số PCI của tỉnh Điện Biên giảm điểm mạnh nhất trong năm 2021 (đạt 6,09 điểm, giảm 1,72 so với năm 2020; xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố).
Không chỉ môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng mà doanh nghiệp còn cần môi trường an toàn, công bằng. Vì vậy doanh nghiệp phải nâng cao năng lực pháp lý. Đây cũng là nội dung cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Do đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như: Tập huấn kiến thức, giải đáp pháp luật; tư vấn pháp luật và cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp... Điều đáng mừng là ngày 8/7/2022, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND quy định mức chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Một giải pháp quan trọng nữa là tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng cần nghiên cứu, thay đổi các phương thức tiếp cận theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhất là việc tiếp cận tín dụng lãi suất thấp để doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau quá trình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Doanh nghiệp được ví như “tế bào” của nền kinh tế, nếu các “tế bào” yếu thì khó có một nền kinh tế khỏe. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương là một trong các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh cấp tỉnh!