Để những tín hiệu vui của du lịch không rơi vào cảnh vừa 'lóe sáng' đã 'vụt tắt'
Đầu năm 2024, hoạt động du lịch mở màn bằng nhiều tín hiệu vui, song để hiện thực hóa mục tiêu, ngành du lịch cần nhiều chính sách đồng bộ.
Mở đầu năm 2024, hoạt động du lịch có nhiều tín hiệu tích cực khi ba ngày nghỉ lễ, cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố không chỉ tương đương so với cùng kỳ năm trước, mà tại một số địa bàn du lịch trọng điểm còn tăng khá. Điển hình như, TP. Hồ Chí Minh (1,65 triệu lượt khách), Hà Nội (402.000 lượt khách) hay Kiên Giang (120.700 lượt khách).
Đáng chú ý, nhiều địa phương đã thử nghiệm và đưa sản phẩm du lịch đêm vào phục vụ du khách. Các sản phẩm du lịch gắn với nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc được tập trung đầu tư và là điểm nhấn ấn tượng trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024.
Đây được xem là tiền đề cho mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế của toàn ngành trong năm 2024.
Song bên cạnh niềm vui đầu năm, hành trình hồi phục của du lịch Việt Nam vẫn còn đó những thách thức về "khoảng trống" về năng lực thực thi cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa.
Theo các chuyên gia trong ngành năm 2023 ngành du lịch “bứt tốc” được là nhờ 2 yếu tố. Đầu tiên là chính sách visa thông thoáng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127 về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và Nghị quyết số 128 nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực. Việc triển khai hai Nghị quyết này đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Yếu tố thứ hai là việc nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch đã chú tâm phát triển các sản phẩm du lịch đêm gắn với công nghiệp văn hóa. Du lịch đêm không chỉ thu hút du khách, mà còn kéo dài thời gian lưu trú của họ, từ đó góp phần tăng chi tiêu tại điểm đến. Sự sôi nổi của các hoạt động về đêm tại Phú Quốc là một ví dụ điển hình như thế.
Sự cởi mở này đã mang lại cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam khi năm tháng liên tiếp của năm 2023 số lượng khách quốc tế mỗi tháng đến đạt trên 1 triệu người.
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy 92,9% doanh nghiệp coi chính sách visa mới là "đòn bẩy" giúp ngành du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên để điểm đến Việt Nam hấp dẫn, có thể kéo hàng triệu du khách đến khám phá trong năm mới, Việt Nam cần tăng số lượng quốc gia được miễn visa và thủ tục nhập cảnh thuận lợi hơn.
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) dự báo hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019.
Tại Việt Nam, các con số thống kê mới đây của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng chỉ ra khách du lịch từ nhiều thị trường như Úc, Mỹ đến Việt Nam đã phục hồi gần 100%. Do đó, năm 2024 là dịp để các doanh nghiệp xem lại chiến lược phát triển, cần nghiên cứu những thị trường tiềm năng mới như, Dubai, Trung Đông, Ấn Độ...
Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân; xóa đói, giảm nghèo; thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa...
Để du lịch bứt phá cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm, với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch.
Trong đó, cần đẩy mạnh liên kết vùng, quốc gia và liên kết quốc tế với phương châm “một cung đường, nhiều điểm đến”; xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế; kết nối thể thao, kết nối con người.
Hiện Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số dự án nhằm thúc đẩy du lịch văn hóa, tăng doanh thu từ du lịch văn hóa lên 20 - 25% tổng doanh thu du lịch vào năm 2030.
Về phía các địa phương cũng cần tập trung cải thiện các điểm đến, tạo thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang “màu cờ sắc áo” của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Có như vậy, mới hấp dẫn được du khách trong và ngoài nước, từ đó, nguồn thu từ du lịch mới tăng.