Để nông dân tái canh cà phê hiệu quả

Giai đoạn 2021-2025, Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh Chương trình tái canh cà phê (TCCP) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm. Trong đó, tỉnh sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân trong các hoạt động TCCP.

Chương trình TCCP đã được tỉnh triển khai từ nhiều năm nay. Tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp cụ thể để chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả Chương trình TCCP.

Đến nay, hoạt động TCCP đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đối với diện tích cà phê tái canh bằng cây giống thực sinh đã cho năng suất bình quân 3 – 3,5 tấn/ha; tái canh bằng ghép cải tạo đạt trung bình 3,5 – 4 tấn/ha.

Năng suất cà phê bình quân sau tái canh cao hơn trước từ 0,5 – 1,5 tấn/ha. Vườn cà phê tái canh, ghép cải tạo hiệu quả đã đem lại thu nhập cho người dân cao hơn so với sản xuất đại trà từ 20 - 60 triệu đồng/ha.

 Nông dân Đắk Mil cắt cành để ghép tái canh cà phê

Nông dân Đắk Mil cắt cành để ghép tái canh cà phê

Theo Sở NN-PTNT, hiệu quả TCCP đã thấy rõ. Thế nhưng, so với kế hoạch của tỉnh, tiến độ TCCP vẫn còn chậm. Tính đến năm 2021, Đắk Nông tái canh được trên 20.500 ha cà phê, đạt 68,36% so với kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ TCCP chưa đủ mạnh. Ví dụ, những năm đầu, thông qua các chương trình, dự án, người dân còn được hỗ trợ về cây giống, nên đã góp phần đẩy mạnh phong trào TCCP. Tuy nhiên, khi không còn được hỗ trợ, hoạt động TCCP đã diễn ra chậm.

Vấn đề về vốn cũng là một trong những khó khăn lớn trong hoạt động TCCP. Phần lớn người dân phải vay vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất cũng như TCCP. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, trên địa bàn tỉnh còn nhiều nông dân chưa thể tiếp cận được vốn ngân hàng.

 Đồ họa: Ngọc Tú

Đồ họa: Ngọc Tú

Theo ông Nguyễn Tuấn Hồng, thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song), gia đình có gần 3 ha cà phê đã trồng trên 20 năm, nay đã già cỗi, năng suất ngày càng giảm sút.

Ba năm nay, ông muốn đầu tư tái canh vườn cà phê này, nhưng việc vay vốn tại các ngân hàng lại gặp khó khăn vì hồ sơ thủ tục, số vốn được vay ít. Do đó, đến nay, ông chỉ mới ghép cải tạo được gần 1 ha cà phê.

 Nông dân cần được hướng dẫn nhiều hơn về quy trình tái canh

Nông dân cần được hướng dẫn nhiều hơn về quy trình tái canh

Cũng đã TCCP, bà Trần Thị Mùi, thôn Tân Lập, xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) cho rằng, lo ngại nhất là mất nguồn thu nhập chính của gia đình. Quá trình TCCP, bà cũng không chắc chắn là nguồn giống canh tác có hiệu quả hay không.

Bởi vì, bà chủ yếu mua giống tại các điểm kinh doanh trên địa bàn, không có gì để bảo đảm về chất lượng. Về kỹ thuật, quy trình tái TCCP, bà cũng chưa được tập huấn, hướng dẫn nhiều.

Cũng theo Sở NN-PTNT, để hoàn thành kế hoạch TCCP, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cấp, ngành, đoàn thể; sự chủ động, tích cực hơn của người trồng cà phê. Trong đó, tỉnh cần lồng ghép, kết hợp TCCP với nhiều chương trình, dự án khác để giảm áp lực về vốn.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT, đơn vị gắn quá trình TCCP với tái cơ cấu cây trồng theo hướng ổn định, bền vững. TCCP cũng đi liền với xây dựng các vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao, cà phê hữu cơ, các chuỗi giá trị.

Để góp phần TCCP hiệu quả hơn, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh việc quản lý cây giống, xây dựng các mô hình điểm. Trong đó, ngành Nông nghiệp xây dựng quy trình tái canh cụ thể để tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn phục vụ TCCP...

Hồng Thoan

2,454

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/de-nong-dan-tai-canh-ca-phe-hieu-qua-91612.html