Để nông nghiệp Phú Thọ phát triển bền vững

PTĐT - Những năm gần đây, ngành nông nghiệp và PTNT Phú Thọ đã tranh thủ tốt các nguồn đầu tư của Trung ương, động viên các nguồn lực nội tại để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Nhờ đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa tại xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba đã góp phần giảm đáng kể về chi phí, thời gian, nhân công và thất thoát sau thu hoạch.

Nhờ đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa tại xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba đã góp phần giảm đáng kể về chi phí, thời gian, nhân công và thất thoát sau thu hoạch.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh những năm gần đây tuy gặp nhiều khó khăn, song luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Tỉnh ủy- HĐND - UBND tỉnh; sự tích cực, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo và tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất và thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng và phát triển tương đối toàn diện.

Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã có tác động rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp đã phát triển theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của từng địa phương; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng cũng như nhu cầu của thị trường; mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị bước đầu được hình thành và nhân ra diện rộng, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng sản xuất hiện đại, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, giúp người dân nông thôn tăng thu nhập và cải thiện đời sống.Xác định nông nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nên từ rất sớm tỉnh ta đã có định hướng về phát triển công nghệ cao (CNC) và đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Để cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung dồn đổi, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp CNC. Nhờ đó, nông nghiệp CNC của tỉnh đã từng bước hình thành, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Với phương châm đi tắt, đón đầu ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tích cực nghiên cứu, ứng dụng đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác mang lại năng suất, hiệu quả cao. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC, xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng CNC vào sản xuất… Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản đã được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm đầu tư. Trong 5 năm qua (giai đoạn 2016-2019), trên địa bàn tỉnh đã có 85 dự án được chấp thuận đầu tư, đáng chú ý một số dự án có hoạt động ứng dụng CNC vào sản xuất, qua đó hình thành và phát triển được một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như: Vùng chăn nuôi xã Tề Lễ, huyện Tam Nông hiện có 9 dự án đầu tư sản xuất chăn nuôi ứng dụng CNC, trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động như: Dự án sản xuất trứng gà sạch của Công ty cổ phần ĐTK cung cấp 500.000 quả trứng gà/ngày, tương đương 175 triệu quả/năm; dự án chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm DABACO...Tại xã Đồng Lương và Sơn Tình, huyện Cẩm Khê thực hiện dự án của Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ với quy mô 15.000 gà giống, 1,2 triệu gà mái, 336 triệu quả trứng/năm; tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, thực hiện dự án đầu tư trồng cây ăn quả CNC của Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ nông nghiệp H2 với mục tiêu đầu tư xây dựng khu trồng cây ăn quả (quýt, bưởi) và nhà máy chế biến trên diện tích 86ha; tại xã Yên Sơn, Thanh Sơn, thực hiện Dự án trồng trọt, chăn nuôi áp dụng CNC của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Cosmos...

Ngoài việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC, ngành nông nghiệp còn khuyến khích người dân áp dụng KHKT vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung như mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, ngô với diện tích hàng nghìn ha ở nhiều địa phương trong tỉnh như Lâm Thao, Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê; mô hình trồng cây ăn quả có múi với quy mô lớn, ứng dụng tưới tiết kiệm tại các huyện Đoan Hùng, Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn; trồng chuối xuất khẩu tại thị xã Phú Thọ và các huyện Tam Nông, Hạ Hòa, Thanh Ba. Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành một số mô hình sản xuất theo chuỗi có thị trường tiêu thụ ổn định như mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao J02 của Công ty CP Vật tư giống công nghệ cao Việt Nam, sản xuất giống ngô lai F1 LVN99 tại huyện Lâm Thao...Để đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục cơ cấu lại sản xuất gắn với phát huy lợi thế của từng địa phương và thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu tạo ngành hàng các sản phẩm chủ lực của tỉnh như chè, rau quả, gia cầm, thủy sản, gỗ... Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng CNC, công nghệ sinh học, sản xuất theo quy trình an toàn; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, từng bước nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đức Minh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202004/de-nong-nghiep-phu-thophat-trien-ben-vung-170170