Để nông sản Việt được định danh trên thế giới

Là một nước nông nghiệp nhiệt đới với đa dạng các loại nông sản, xuất khẩu hàng nông sản đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

Nông sản Việt Nam đã được nhận diện tại nhiều nước và khu vực trên thế giới. Vấn đề đặt ra là đảm bảo được chỗ đứng và khẳng định vị thế giữa muôn vàn sự lựa chọn tại các thị trường khó tính. Một trong những chìa khóa là phải “biết người biết ta”, đặc biệt là nắm được những thế mạnh, những ưu điểm để phát huy triệt để. Đặc biệt, hiệu ứng từ Hiệp định EVFTA được xem là cơ hội để các DN Việt Nam mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu. Hiện EU đang là thị trường quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, song hành với những thuận lợi, nông nghiệp và nông sản Việt Nam đang phải đối diện với không ít những khó khăn thách thức.

Đầu tiên phải kể tới các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam đều có yêu cầu cao, khó tính về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đòi hỏi các DN phải tuân thủ nghiêm các quy tắc về quy trình sản xuất cũng như xuất xứ. Chính vì thế các DN phải hiểu và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ, kiểm soát ngay tại đồng ruộng, tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là chú trọng quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường...

Để đưa được thương hiệu nông sản Việt ra nước ngoài là cả một chặng đường dài và vô cùng khó khăn. Ảnh: N.Đăng

Để đưa được thương hiệu nông sản Việt ra nước ngoài là cả một chặng đường dài và vô cùng khó khăn. Ảnh: N.Đăng

Vấn đề thứ hai phải kể tới là phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ xuất khẩu khác có cùng cơ cấu hàng hóa trên cả yếu tố giá cả và thương hiệu trong khu vực, mà Singapore chính là một ví dụ khá điển hình. Dù là một đảo quốc nhỏ với dân số chưa đến 6 triệu người, song Singapore lại là nước có đối tác nhập khẩu đa dạng bậc nhất thế giới với 220 đối tác, riêng trong lĩnh vực thực phẩm, rau củ quả, Singapore có quan hệ nhập khẩu với 170 nước. Sự đa dạng đối tác này là để đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo nguồn cung trước mọi nguy cơ đứt gãy. Thêm một thách thức khác cũng được nhắc tới đó là sự thiếu linh hoạt của chính các DN Việt Nam.

Vì những lý do này, theo ông Phạm Quang Vinh, Trưởng phòng phát triển công nghệ, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia (Bộ Khoa học và công nghệ) cho rằng, để nông sản Việt Nam có thể tạo được sự tin tưởng trên thế giới thì cần sớm rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, chuyên môn hóa đối với cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với lợi thế cạnh tranh và sự biến đổi khí hậu. Xây dựng tiêu chí cụ thể cho các mô hình sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp, có cơ chế khuyến khích tư nhân và DN đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời quy hoạch các nhà máy sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Ngoài ra, DN đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết “4 nhà”, do vậy, cần có các giải pháp đồng bộ để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân, phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, HTX để hỗ trợ nông dân, DN trong liên kết và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phân định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng “nhà” và có chế tài ràng buộc để giữ mối liên kết; nhất là, sự hỗ trợ trong việc kết nối ngân hàng với DN và người dân.

Cùng với đó, chính quyền địa phương quan tâm, ổn định quy hoạch vùng, tiểu vùng ngành nông nghiệp, hỗ trợ Ngân hàng, DN, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất và cấp tín dụng như: Xúc tiến nhanh việc cấp đổi giấy chứng nhận, gia hạn, chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi và bảo hiểm tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, bảo hiểm năng suất, sản lượng… Khuyến khích các Hiệp hội thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, gắn trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương trong việc quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi nhằm kiểm soát và có chế tài xử lý đối với tình trạng kiềm giá, ép giá…

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có được chỗ đứng tại một số thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu..., đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-nong-san-viet-duoc-dinh-danh-tren-the-gioi-202586.html