Để nông sản Việt Nam vào sâu hệ thống phân phối nước ngoài
Để bán được hàng ở thị trường nước ngoài, ngoài kỹ năng cứng là chuẩn bị kỹ hồ sơ (sản phẩm phải có chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn môi trường, lao động…) thì doanh nghiệp (DN) cần có kỹ năng mềm là linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường, chia sẻ câu chuyện về sản phẩm, bởi hiện nay khách hàng không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, mà cao hơn nữa là câu chuyện giá trị nằm bên trong sản phẩm. Đã có nhiều DN đã thành công khi khai thác thị trường xuất khẩu (XK) từ xu hướng này.
Ông Lê Thành Trung - quản lý thương mại về chuỗi giá trị thực phẩm tươi, Central Retail Việt Nam kể: Trong "Tuần lễ hàng Việt Nam" tổ chức tại Thái Lan vừa qua, có một DN thủy sản Việt Nam ở Cà Mau mang đến sự kiện này 2 sản phẩm gồm bánh phồng tôm và tôm khô. Sau khi setup gian hàng, DN đã đến các chợ và siêu thị để tìm hiểu xem các sản phẩm tương tự của DN mình đang bán ở thị trường này như thế nào.
Qua khảo sát, DN nhận thấy trong các sản phẩm bánh phồng tôm bán ở đây, tỷ lệ tôm chỉ chiếm 25% trong thành phần, trong khi sản phẩm cùng loại của DN có tới 40% tôm mà đặc biệt là tôm sinh thái. Với thông tin này, tại phiên kết nối B2B gặp các nhà mua hàng, DN đã kể câu chuyện này và thuyết phục được đối tác là sự khác biệt trong sản phẩm của DN. Kết quả, các nhà mua hàng đã thấy được trong sản phẩm của DN ở Cà Mau không chỉ là cái bánh phồng tôm mà cả câu chuyện nuôi tôm sinh thái ở vùng rừng ngập mặn ven biển vùng ĐBSCL, trong sản phẩm còn gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư khu vực đó. Điều này đã khiến nhiều khách hàng quan tâm và ký kết hợp đồng mua hàng của DN.
Đánh giá chất lượng các mặt hàng nông sản Việt Nam hiện nay rất tốt, Central Retail đã phối hợp với các nhà cung cấp đưa nhãn hàng Việt Nam vào siêu thị của Thái Lan và sắp tới là đưa trái vải vào thị trường này. "Tuy nhiên, XK và đưa hàng vào các hệ thống phân phối, DN phải nắm rõ thông tin thị trường. DN nên xây dựng câu chuyện của sản phẩm để kể cho khách hàng thay vì những sản phẩm thông thường. Bởi, ngày nay người tiêu dùng không chỉ lựa chọn sản phẩm chỉ vì chất lượng", ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam khuyến nghị DN.
Nói về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ trái vải tươi vào thị trường Hoa Kỳ, ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết, Chi nhánh Thương vụ tại San Francisco phối hợp với Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ (VENUSA), các tổ chức, DN, triển khai các hoạt động quảng bá, truyền thông trên các kênh thông tin. Đồng thời, kết hợp việc tổ chức gian hàng trưng bày, bán quả vải tại một số khu vực chợ của người Việt, người châu Á, và cho người dân dùng thử sản phẩm để họ trải nghiệm. Kết quả, từ ngày 30/6 đã có gần 20 tấn quả vải tươi của Việt Nam đã chính thức được phân phối, bày bán tại một số hệ thống siêu thị tại Hoa Kỳ.
Không chỉ DN nỗ lực chào hàng, tìm kiếm thị trường để XK nông sản, mà hiện nay nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng của các tập đoàn ở nước ngoài cũng rất lớn. Tại Diễn đàn xuất khẩu 2023 vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã đến diễn đàn để tìm kiếm nguồn hàng chất lượng, ổn định của DN Việt Nam để đưa vào hệ thống phân phối của họ. Điển hình như: Walmart (tập đoàn bán lẻ của Mỹ), tìm mua các mặt hàng hải sản, hạt điều, sữa đậu nành, cà phê, trái cây tươi, sản phẩm chế biến từ trái cây... để bán trên toàn cầu; Aeon - Nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với hơn 18.000 cửa hàng, có mặt ở 14 nước trên thế giới. Aeon muốn hợp tác với các DN Việt Nam đưa hàng vào hệ thống siêu thị Aeon không chỉ ở Việt Nam và khắp hệ thống ở 14 quốc gia. Đánh giá năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam khi tham gia vào các kênh bán lẻ quốc tế, ông Yuichiro Shiotani - Tổng Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cho rằng, nếu các nhà cung cấp chỉ làm những việc giống như trước giờ thì nhất định sẽ không thể theo kịp xu thế của thế giới. Với sự thay đổi xu hướng tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn dần bị thay thế bằng sự thân thiện với môi trường, hướng tới tương lai như mô hình phát triển bền vững, dấu chân carbon, thì các DN cung ứng hàng hóa Việt Nam cần có sự đổi mới theo xu hướng này mới có nhiều cơ hội cạnh tranh.
Liên tục những năm gần đây, kim ngạch XK nông sản, thủy sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số, đạt 53,2 tỷ USD trong năm 2022 (tăng khoảng 10% so với 2021), trong đó có nhiều nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD. Năm 2023, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường, kim ngạch XK các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được dự báo vẫn sẽ vượt qua con số 50 tỷ USD. Hiện, Việt Nam là nhà cung ứng trong Top 3 thế giới về cà phê, lớn thứ nhất về hạt điều, lớn thứ nhất về hạt tiêu, lớn thứ ba về gạo...
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam: Tỷ trọng sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn, bền vững… còn thấp, đó là một trong những hạn chế để nông sản Việt Nam khi tiếp cận với các thị trường cao cấp. Trong khi đó, chi phí logistics tăng cao cũng khiến nông sản Việt giảm tính cạnh tranh với các nước. Một container thanh long vận chuyển từ vùng trồng đến thị trường tiêu thụ có khi chi phí lại cao hơn cả giá trị lô hàng, đó là thực tế. Ngoài ra, việc quảng bá và mở rộng thị trường còn thiếu tính chiến lược dài hạn. "Để đẩy mạnh XK nông sản Việt Nam trong thời gian tới thì những vấn đề còn tồn tại như trên cần phải được cải thiện", ông Hòa nói.