Để nông thôn mới ở vùng cao không chỉ là danh hiệu: Vị đắng của... thoát nghèo
Hơn 3 năm sau khi các quyết định có hiệu lực, tại một số địa phương vùng cao, đời sống người dân vốn khó khăn nay càng gian nan hơn khi không được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước do đã ra khỏi diện vùng 'Đặc biệt khó khăn'.
Đã có nhiều tâm tư, trăn trở và nguyện vọng của các cán bộ, giáo viên, các em học sinh và người dân những bản làng vùng cao thuộc các xã về đích nông thôn mới và ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Hơn 3 năm sau khi các quyết định có hiệu lực, tại một số địa phương vùng cao, đời sống người dân vốn khó khăn nay càng gian nan hơn khi không được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước do đã ra khỏi diện vùng “Đặc biệt khó khăn”. Loạt bài “Để Nông thôn mới ở vùng cao không chỉ là danh hiệu” sẽ đưa ra cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.
Bài 1: Vị đắng của …thoát nghèo
Bài 2: Đua tiêu chí hay bệnh thành tích?
Bài 3: Cần gỡ khó cho hàng nghìn thôn, xã vùng cao
Tiếng trống tan trường vang lên, Đặng Quầy Kiêm, học sinh lớp 9, trường THCS bán trú Huy Giáp, xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nhanh chân vào gian bếp được quây bằng mấy tấm tôn đặt ở góc sân trường chuẩn bị bữa cơm. Bữa trưa của các em ngoài nồi cơm trắng chỉ có thêm đậu đũa được bố mẹ gửi từ đầu tuần. Kiêm bảo rằng: đây là thức ăn chính của nhóm 8 học sinh trong 1 tuần qua, nhà em ở Bản Ngà, cách trường học hơn 6 cây số nên em được bố mẹ cho ở tại trường. Hàng tuần, gia đình có đồ ăn đều gửi ra trường cho các em, khi cân măng, khi mớ rau rừng, lâu lắm mới có quả trứng, chút thịt băm hay dăm bơ lạc. Ước muốn của Kiêm cũng thật đơn giản.
Chỉ cách gian bếp của Kiêm và các bạn một khoảng sân nhỏ, gần 60 học sinh khác của trường cũng rộn ràng chuẩn bị ăn cơm trưa. Đây là học sinh thuộc 2 bản Lũng Pèng, Cốc Sỳ. Do là bản thuộc diện đặc biệt khó khăn nên các em được hưởng chế độ ăn bán trú với bữa cơm nóng, thịt gà, rau xào, canh xương…Nhà ăn của các em cũng có nền bê tông, có mái che vững chãi và có cả quạt mát vào mùa hè. Nhìn bữa cơm của các bạn, cô bé Đặng Mùi Viện không khỏi mủi lòng.
“Con bữa thường ăn đỗ, rau cải, măng, còn thịt thì tuần có, tuần không. Các bạn khác thì được ăn ngon, mặc sướng, còn con thì….(khóc). Con mong muốn có bữa cơm ngon, có thịt, có đầy đủ các thứ..”, bé Viện bày tỏ.
Năm 2020, xã Huy Giáp về đích nông thôn mới nên theo Quyết định số 861/QĐ-TTg 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Huy Giáp thuộc xã vùng I. Xã này chỉ còn 2/9 xóm thuộc diện vùng III là Lũng Pèng và Cốc Sỳ. Chiếu theo các quyết định này, học sinh các bậc từ Tiểu học trở lên không còn được hưởng chế độ hỗ trợ ăn bán trú ngoại trừ 2 xóm thuộc diện vùng III.
Tuy nhiên, gần 30 học sinh cấp II ở các bản xa đến 7-8 cây số, buộc phải ở tại trường. Các thầy cô cùng phụ huynh tìm tre nứa, tận dụng những tấm tôn cũ để dựng 3 gian bếp tạm bợ cho các em có chỗ nấu nướng. Vậy nên mới có cảnh một mái trường, hai căn bếp và hai số phận khác nhau.
Thương học trò bữa đói, bữa no nên cô giáo Cao Thị Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Bán trú Huy Giáp cùng các thầy cô vận động các nhà hảo tâm, đôi khi góp thêm phần lương ít ỏi để hỗ trợ bữa ăn cho bọn trẻ, nhưng cũng chẳng kéo dài được bao lâu.
“Từ khi xã về đích Nông thôn mới đến giờ số học sinh bỏ học khá cao, có gần 100 em học sinh nghỉ học rồi. Các thầy cô cũng xót xa cho các em lắm, nhưng lương của các cô cũng thấp, lại bị cắt đi, nhà lại ở xa nữa nên muốn hỗ trợ các em cũng khó, các em đông quá, các thầy cô cũng không thể giúp hết được…”, cô Hương cho biết.
Quay trở lại hành trình về đích Nông thôn mới ở xã Huy Giáp có thể nhận thấy nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt”. Đây là xã thuần nông, gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao với khoảng 4.000 nhân khẩu. Nơi ở của đồng bào chênh vênh bên những sườn núi; thiếu đất canh tác, thiếu nước sản xuất nên kinh tế dựa chủ yếu vào trồng trúc sào, trồng ngô và chăn nuôi gia súc. Từ một xã đặc biệt khó khăn, Huy Giáp đã được lựa chọn để trở thành xã điểm về đích Nông thông mới đầu tiên của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Nhưng sau 3 năm, Huy Giáp đã “tuột” đến 12 tiêu chí.
Ông Lương Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc cho biết: “Hiện nay theo bộ tiêu chí nâng cao, thu nhập người dân chúng tôi không đạt, thứ hai tỉ lệ sử dụng điện hiện chỉ đạt gần 80%, còn tỉ lệ hộ nghèo còn 40% và cận nghèo trên 20%, đây là tiêu chí rất khó đạt. Về giao thông thì địa bàn cũng chỉ đạt 40% cứng hóa.”
Xã về đích nông thôn mới, người dân càng khó thoát nghèo hơn khi không còn diện ưu tiên với các khoản hỗ trợ vay vốn sản xuất, các nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong khi hạ tầng giao thông, thủy lợi vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Không chỉ có chế độ dành cho học sinh, người dân ngay cả với các cán bộ, giáo viên đang công tác trên địa bàn cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Đơn cử, ở Bản Phiêng Vàng cách trung tâm xã Huy Giáp hơn 9km đường cấp phối, đèo dốc cao và gập ghềnh đá sỏi. Đây là bản có tới hơn 90% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Ở Phiêng Vàng gần như không có sóng điện thoại, không có internet, thiếu nước sinh hoạt và điện lưới quốc gia cũng chỉ khoảng 50% số hộ được sử dụng…nhưng Phiêng Vàng vẫn trong diện bản nông thôn mới. Ở đây có điểm trường Tiểu học với 5 cô giáo cắm bản. Cô giáo Tô Thị Vân mới trở lại trường sau khi sinh con thứ hai không khỏi trăn trở cho tương lai khi bị giảm đến quá 1/3 thu nhập.
“Tôi vào đây đầu tiên được hơn 8 triệu đồng/tháng, nhưng khi bị cắt từ vùng III lên vùng I nên giảm đi khoảng 3 triệu đồng. Giờ một gia đình có 2 con nhỏ không thể đủ chi tiêu. Tôi cũng không mong muốn gì hơn, chỉ mong có một con đường đi thuận lợi và mong có thêm phụ cấp cho giáo viên (khóc)….”, cô Vân cho hay.
Bà Chu Thị Liên, người dân bản Phiêng Vàng cũng không biết phải giải quyết ra sao khi con cháu đi học lặn lội, băng rừng cả chục cây số đến lớp mà không còn được trợ cấp, ngay cả tiền hỗ trợ mua bảo hiểm y tế của người dân cũng bị cắt trong thời gian dài.
“Về nông thôn mới thì đường làng ngõ xóm, nhà cửa phải kiên cố sạch sẽ, nhưng ở đây có gì đâu, muốn ăn, muốn mua phải vác củi đi chợ bán mới có. Tôi cũng thấy đau xót lắm, nhưng không làm được gì mà”, bà Liên chia sẻ.
Vị đắng của thoát nghèo, về đích Nông thôn mới đã hiện rõ ở xã Huy Giáp. Không còn được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước do đã ra khỏi diện vùng “Đặc biệt khó khăn”, nguy cơ tái nghèo ở nơi đây đã hiện hữu. Điều này cho thấy ngay từ khâu đánh giá, bình xét tiêu chí Nông thôn mới ở đây đã thiếu chặt chẽ, thiếu thực tế, thậm chí có dấu hiệu chạy theo thành tích. Nếu chưa vội về đích Nông thôn mới, có lẽ những đứa trẻ đã không phải ăn rau thay cơm rồi bỏ học giữa chừng, những người dân cũng không phải vật lộn mưu sinh vì cuộc sống quá khó khăn, còn các cô giáo cũng không phải rơi những giọt nước mắt khi nghĩ về tương lai của mình và những đứa trẻ.
Để thay cho lời tạm kết, chúng tôi đã ghi nhận những tâm tư, trăn trở của những đứa trẻ, những cô giáo cắm bản, người dân và cả những nhìn nhận thẳng thắn từ cơ sở:
- Em Triệu Mùi Nải, học sinh điểm trường Tiểu học Phiêng Vàng, xã Huy Giáp: “Hàng ngày con đi học mất 40 phút mới đến lớp, mẹ con làm cơm cho con mang đến trường, con muốn được ăn cơm ở lớp để không phải xách cơm đi nữa".
- Thầy giáo: Hoàng Lương Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Huy Giáp: “Tôi mong mỏi các cấp xem xét để Huy Giáp trở lại được hưởng chính sách như xã vùng III. Để từ đó các thầy cô giáo được hỗ trợ thêm từ lương đến phụ cấp ưu đãi”.
- Chủ tịch UBND xã Huy Giáp, Ông Lương Văn Chiến: “Khi đầu tư để đưa một địa phương, một xã về đích NTM thì trong giai đoạn trước cũng có những bất cập và đầu tư cũng chưa được đồng bộ, dẫn tới các tiêu chí còn non, chưa đạt, cũng có liên quan phần nào đó bệnh thành tích, tôi xin khẳng định là như vậy”.
Bữa cơm chỉ có rau xanh của học trò và những giọt nước mắt của các cô giáo cắm bản tại xã Huy Giáp, xã điểm về đích NTM của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng phần nào đã cho thấy những mặt trái tại những địa phương vùng cao sau khi ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Vấn đề này sẽ tiếp tục đề cập trong bài 2 với nhan đề “Đua tiêu chí hay bệnh thành tích?”.