Để phát huy tiềm năng điện mặt trời
Bình Thuận – nơi có tiềm năng phát triển điện mặt trời thuộc loại cao nhất cả nước, với nguồn bức xạ nhiệt cao và ổn định. Nơi đây ít chịu ảnh hưởng của gió bão nên điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Tuy nhiên để tỉnh ta có thể phát huy tiềm năng điện mặt trời một cách bền vững, cần nhiều giải pháp đồng bộ...
Để phát huy tiềm năng điện mặt t
Năng lượng dồi dào
Theo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định mục tiêu tổng quát: Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, chủ động hội nhập, phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng. Xây dựng và phát triển Bình Thuận đến năm 2030 căn bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung xây dựng 3 trung tâm mang tầm quốc gia: trung tâm năng lượng, trung tâm du lịch - thể thao biển, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan…
Để hướng đến trung tâm năng lượng của cả nước, thời gian qua công nghiệp điện năng trên địa bàn tỉnh được chú ý đầu tư và có bước phát triển mạnh. Ngoài các nhà máy thủy điện được đầu tư trước đây thì Trung tâm điện lực Vĩnh Tân nổi lên như một công xưởng nhiệt điện của cả nước, với quy mô 5 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất 6.264 MW. Theo Sở Công Thương, hiện tỉnh có 95 dự án với tổng công suất khoảng 4.846,84 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 143.432 tỷ đồng, trong đó có 21 dự án đã triển khai thi công hoàn thành và đóng điện trước 30/6/2019. Riêng năm 2019, Bình Thuận có 19 dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư được chấp thuận chủ trương, với tổng công suất khoảng 1.028,3 MW, tổng vốn đầu tư 25.884,64 tỷ đồng, nâng tổng số dự án điện mặt trời được chấp thuận đầu tư là 25 dự án, với tổng công suất 1.478,18MWp và tổng số vốn đầu tư là 39.764,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là sau làn sóng đăng ký ồ ạt đầu tư điện mặt trời và điện gió tại tỉnh, bên cạnh những dự án đã hoàn thành, vẫn còn không ít những dự án chưa triển khai hoặc chậm tiến độ. Do đó thời gian tới, tỉnh cần tập trung rà soát những dự án điện gió trên địa bàn chậm tiến độ nhưng không có lý do chính đáng, không có năng lực tài chính thực hiện. Ngoài ra cần rà soát và thu hồi chủ trương khảo sát và lập dự án đã được chấp thuận chủ trương khảo sát, lập dự án đầu tư nhưng chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện các thủ tục… Điện mặt trời đang phát triển “nóng”, nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch như Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đặt ra. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu điện nhiều, do đó phải phát triển thêm các nguồn năng lượng khác như khí và khí hóa lỏng. Vì vậy phát triển điện mặt trời đến mức độ nào, cần có thời gian kiểm chứng xem có hoạt động ổn định hay không, nếu ổn định thì mới phát triển nhiều.
Để phát huy hiệu quả
Thời gian tới, để Bình Thuận sớm trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, các sở, ngành, địa phương cần tập trung rà soát các quy hoạch ngành, kế hoạch sử dụng đất, không để chồng lấn, xác định khu vực ưu tiên đầu tư phát triển các công trình trọng điểm của trung tâm năng lượng. Chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho các dự án; tập trung công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình năng lượng, công tác tái định cư. Bởi sự hình thành trung tâm năng lượng quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, nhất là nguồn ngân sách, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển dịch ngành nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đồng thời góp phần giải quyết bài toán năng lượng cho khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Để làm được điều đó rất cần sự chung tay từ Bộ Công Thương, chính quyền các địa phương, chủ đầu tư, EVN… để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung, nhằm giải tỏa hết công suất của các nhà máy, bổ sung thêm nguồn điện cho cả nước. Các chủ đầu tư cần hoàn thiện những tồn tại kỹ thuật và hoàn thành các thử nghiệm theo yêu cầu. Khẩn trương đầu tư và lắp đặt hệ thống dự báo công suất phát các nguồn điện mặt trời và điện gió, truyền số liệu về cấp điều độ…
Cùng với điện gió, điện mặt trời là xu hướng của thế giới, do đó muốn phát huy tiềm năng điện mặt trời của Bình Thuận, cần sự chung tay, kết hợp các giải pháp thật đồng bộ, hiệu quả mới có thể phát triển bền vững trong tương lai.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/de-phat-huy-tiem-nang-dien-mat-troi-127723.html