Để phiên giao dịch việc làm phát huy hiệu quả

Trung bình mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức hơn 60 phiên giao dịch việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động tìm được việc làm thông qua trung tâm chỉ chiếm khoảng 40%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm mới tổ chức được 7/69 phiên giao dịch việc làm, đạt 10,1% kế hoạch năm, trong đó có 5 phiên tổ chức tại trung tâm và 2 phiên tổ chức tại các xã/huyện. Riêng với 10 xã nghèo của tỉnh, trong 6 tháng qua, trung tâm chưa tổ chức được phiên giao dịch việc làm nào theo Kế hoạch 239 ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã nghèo.

Lý giải điều này, ông Lưu Công Hoàn, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Kinh phí tổ chức các phiên giao dịch việc làm được trích từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia nhưng đến ngày 18/6/2024, trung tâm mới được thông báo cấp kinh phí.

Ngay sau khi được cấp kinh phí theo chương trình mục tiêu quốc gia, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức triển khai, thực hiện thêm 15 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm tại 15 trường THPT và 8 phiên giao dịch việc làm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, trung tâm sẽ phối hợp triển khai, tổ chức khoảng 60 phiên giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu việc tổ chức dồn dập các phiên giao dịch vào những tháng cuối năm có thực sự đạt hiệu quả và người lao động có thể tìm được việc làm theo đúng nhu cầu của mình hay không? Bởi lẽ, theo xu thế chung của thị trường lao động, đầu năm luôn là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tìm việc làm và nhu cầu này thường giảm dần trong những tháng cuối năm, còn những tháng cuối năm, lao động có xu hướng tìm việc làm thời vụ như bán hàng, thu ngân, giao hàng, giúp việc...

Thời điểm chưa có kinh phí để tổ chức các phiên giao dịch, trung tâm đã chủ động tìm giải pháp khắc phục khó khăn. Đó là, mời gọi các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động hỗ trợ kinh phí tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Do đó, ngoài 7 phiên giao dịch được tổ chức bằng nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, thì trung tâm đã tổ chức được 32 phiên giao dịch việc làm tại các huyện: Văn Bàn (4 phiên), Bảo Thắng (5 phiên), Bảo Yên (4 phiên), Si Ma Cai (8 phiên), Bắc Hà (2 phiên), Mường Khương (8 phiên), Bát Xát (2 phiên)... bằng nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Mặc dù được các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí tổ chức các phiên giao dịch việc làm ở xã nhưng riêng chi phí đi lại, ăn, ở của cán bộ, Trung tâm Dịch vụ việc làm phải tự chi trả. "Mỗi phiên giao dịch việc làm cần ít nhất 2 đến 3 cán bộ của trung tâm thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu các đơn hàng trong nước, lao động làm việc tại nước ngoài, phát tờ rời tuyên truyền, treo pa-nô giới thiệu thông tin doanh nghiệp tuyển dụng...” - ông Lưu Công Hoàn, Phó Giám đốc trung tâm cho biết thêm.

Ngoài nguyên nhân do kinh phí cấp muộn, dẫn đến thời gian tổ chức các phiên giao dịch việc làm chưa phù hợp với nhu cầu lao động của thị trường, đã xuất hiện tình trạng một số lao động sau khi tham gia các phiên giao dịch việc làm lại đi làm theo hình thức tự phát mà không qua trung tâm để đăng ký đi làm việc tại các doanh nghiệp. "Đã có những người được cán bộ của trung tâm tư vấn việc làm và họ đồng ý, cầm hồ sơ đăng ký tuyển dụng về nhà nhưng sau một thời gian, chúng tôi gọi điện lại thì được biết họ đã tự liên hệ và đến công ty đó làm việc mà không cần qua trung tâm giới thiệu. Tình trạng đi làm việc tự phát như vậy có thể khiến người lao động phải đối mặt với nhiều rủi ro như bị nợ lương, chế độ làm việc không đảm bảo, thậm chí có thể bị lợi dụng làm việc phạm pháp” - chị Nguyễn Phúc Hậu, Trưởng Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) cho biết.

Trước thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tham mưu cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trình tỉnh sớm có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ trực tiếp cho người lao động của tỉnh (như tiền tàu xe, tiền khám sức khỏe, tiền sinh hoạt phí trong tháng làm việc đầu tiên…) khi người lao động đi làm việc theo hợp đồng tại các doanh nghiệp. "Trước mắt là đối với lao động của 10 xã nghèo, sau đó sẽ mở rộng với lao động toàn tỉnh. Nếu chính sách này được thông qua, tôi tin chắc sẽ hạn chế được tình trạng lao động đi làm ngoài tỉnh theo hình thức tự phát” - ông Lưu Công Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhận định.

Để các phiên giao dịch thực sự phát huy được hiệu quả, ngoài việc đảm bảo nguồn kinh phí để tổ chức phiên giao dịch việc làm kịp thời, thường xuyên tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đáp ứng đúng nhu cầu của người lao động và phù hợp thời điểm tuyển dụng của doanh nghiệp, rất cần thêm những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút người lao động đến đăng ký tìm việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Thi Khanh

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/de-phien-giao-dich-viec-lam-phat-huy-hieu-qua-post388971.html