Khơi thông nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, phát triển

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh... là những khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, phục hồi và từng bước phát triển thì cần có giải pháp đồng bộ 'khơi thông' dòng vốn.

Các DNNVV cần minh bạch thông tin để cải thiện khả năng tiếp cận vốn. Ảnh tư liệu minh họa

Các DNNVV cần minh bạch thông tin để cải thiện khả năng tiếp cận vốn. Ảnh tư liệu minh họa

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn

Theo VINASME, trong thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục thúc đẩy các các giải pháp về đào tạo, kết nối, áp dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn. Cụ thể, tổ chức các khóa nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, quản trị tài chính; ký kết bản ghi nhớ với các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn

Tại hội thảo "Giải pháp thanh toán và tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)" diễn ra mới đây, ông Tô Hoài Nam đưa ra bức tranh toàn cảnh về khó khăn hoạt động của khu vực DNNVV kể từ sau dịch Covid-19 đến nay.

Ông Tô Hoài Nam chia sẻ, sau dịch Covid-19, tiếp cận vốn là vấn đề cấp bách của doanh nghiệp. Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất cố gắng để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, giảm bớt các thủ tục hành chính, song theo thống kê của Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME), có hơn 28% NDNVV đang thiếu vốn đến khát vốn.

Đồng cảm với khó khăn của DNNVV, nguyên nhân “thiếu vốn, khát vốn” cũng đã được các chuyên gia kinh tế, ngân hàng cũng chỉ ra, nhằm giúp VINASME có cái nhìn thấu đáo vấn đề và lựa chọn giải pháp tiếp cận nguồn vốn.

Phân tích rõ hơn về khó khăn trong tiếp cận vốn của DNNVV, ông Trần Văn Hiển, Phó trưởng Ban Đào tạo và Hội viên, VINASME cho biết, nguyên nhân cơ bản khiến DNNVV khó tiếp cận vốn là bởi thông tin còn thiếu tin cậy để có thể đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đó là không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Nếu được vay thì tỷ lệ vay trên giá trị tài sản bảo đảm đó không cao, chỉ khoảng 50 – 60%.

Một khó khăn nữa là dự án của doanh nghiệp có tính khả thi thấp. Nguyên nhân bởi nguồn nhân lực còn quá yếu, rất nhiều doanh nghiệp không có bộ phận dự án để xây dựng dự án chuyên nghiệp. Cùng với đó, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp còn thiếu tin cậy, “có những doanh nghiệp sử dụng tới 2 - 3 sổ kế toán”; chưa kể, nhiều doanh nghiệp chưa có kế hoạch tài chính cho từ 3 – 5 năm.

Để cải thiện tình hình hiện nay, ông Trần Văn Hiển nhấn mạnh, DNNVV cần minh bạch thông tin để cải thiện khả năng tiếp cận vốn. Theo đó, phải xây dựng được phương án kinh doanh khả thi, phù hợp với thực tế cũng như thế mạnh của mình. Minh bạch, lành mạnh thông tin như báo cáo tài chính và có lợi nhuận, vốn chủ sở hữu đăng ký phải phù hợp, tài sản bảo đảm có nguồn gốc rõ ràng. Tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các nguồn vốn ưu đãi.

Doanh nghiệp cần xây dựng phương án tài chính khả thi

Theo thống kê của VINASME, tính đến hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 963.300 doanh nghiệp, trong đó, khoảng 98% là DNNVV. Sự khó khăn trong tiếp cận vốn của các doanh nghiệp này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần có giải pháp vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực DNNVV.

Các chuyên gia kinh tế, ngân hàng cho rằng, trước hết DNNVV cần chủ động nâng cao khả năng tiếp cận vốn, bằng cách xây dựng phương án tài chính khả thi.

Theo đó, DNNVV cần xây dựng phương án kinh doanh khả thi, phù hợp với thực tế cũng như thế mạnh của mình. Phải minh bạch, lành mạnh thông tin như báo cáo tài chính và có lợi nhuận, vốn chủ sở hữu đăng ký phải phù hợp, tài sản bảo đảm có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các nguồn vốn ưu đãi.

Một vấn đề cốt yếu nữa được chỉ ra là cũng với việc nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả kinh doanh, DNNVV phải hạn chế tối đa dùng tiền mặt. Khi không dùng tiền mặt sẽ giúp dòng tiền của doanh nghiệp được minh bạch - một trong những yếu tố để ngân hàng đánh giá năng lực của doanh nghiệp.

Ở góc độ đại diện VINASME, ông Trần Văn Hiển cũng chia sẻ, hiện có tình trạng doanh nghiệp rải nguồn lực tại nhiều ngân hàng. Về nguyên tắc, không nên bỏ trứng vào một giỏ, song nếu lợi nhuận bỏ vào nhiều ngân hàng thì đó lại là điểm yếu. Ngân hàng không thể ngồi một chỗ để tổng hợp dòng tiền tại các ngân hàng mà chỉ dựa vào một ngân hàng, trên cơ sở đó sẽ cung cấp vốn cho doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, trung tuần tháng 9/2024, VINASME và Tổ chức Thẻ quốc tế VISA International đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số hoạt động thanh toán tại các DNNVV một cách hiệu quả, tạo dựng niềm tin của ngân hàng với doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn./.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-thong-nguon-von-ho-tro-doanh-nghiep-vua-va-nho-phuc-hoi-phat-trien-159329-159329.html