Đề phòng bị rắn độc cắn trong mùa hè
ĐBP - Mùa hè là mùa rắn sinh trưởng, phát triển. Vì vậy, đây là thời điểm gia tăng bệnh nhân nhập viện do rắn cắn, thậm chí có nhiều trường hợp nạn nhân bị rắn độc cắn nguy kịch, dẫn đến tử vong. Do đó, mọi người cần cẩn trọng khi đến những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm… đề phòng có rắn sinh sống, trú ẩn và tấn công.
Vết rắn lục cắn gây sưng nề bàn tay trái của bệnh nhân P.N.T.
9 giờ 52 phút ngày 18/7, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận bệnh nhân P.N.T, 81 tuổi, trú tại phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) nhập viện do bị rắn cắn. Theo lời kể bệnh nhân, trước khi vào viện khoảng hơn 1 giờ, bệnh nhân đang cắt cỏ trong vườn nhà thì bị một con rắn màu xanh cắn vào ngón áp út bàn tay trái. Sau khi phát hiện, bệnh nhân được người nhà băng bó lại chỗ bị cắn nhưng tay bệnh nhân vẫn đau nhiều và sưng. Ngay sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu tại bệnh viện và được xử trí kịp thời. Sau 1 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tay bị rắn cắn còn sưng nề; tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng bệnh nhân vẫn phải theo dõi tại bệnh viện và làm thêm xét nghiệm đông máu.
Đáng lưu ý, lúc đầu gia đình không biết bệnh nhân bị loại rắn gì cắn. Chỉ đến khi tới bệnh viện, được các bác sĩ giải thích, phân tích, gia đình mới biết bệnh nhân bị rắn lục cắn.
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: Bệnh nhân P.N.T không phải là trường hợp đầu tiên bị rắn cắn được các bác sĩ tiếp nhận xử trí. Từ đầu năm đến nay Khoa đã tiếp nhận 22 trường hợp bị rắn cắn. Đáng ngại là, hàng năm, cứ vào đầu hè, số bệnh nhân nhập viện do bị rắn độc cắn gia tăng. Có trường hợp do sơ cứu không đúng cách, bệnh nhân bị hoại tử tay chân, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong. Vì vậy, nhận biết rắn độc cắn và sơ cứu ban đầu đúng cách là vô cùng cần thiết.
Theo bác sĩ Dũng, để phân biệt được rắn độc và rắn không độc nhiều khi rất khó. Tuy nhiên có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của rắn như rắn hổ mang (khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, phát âm thanh đặc trưng), rắn cạp nong (thân mình khúc vàng khúc đen), rắn cạp nia (thân mình khúc trắng khúc đen), họ rắn lục (đầu to hình thoi hoặc tam giác)…
Đề phòng rắn cắn, người dân không nên cố bắt hoặc giết rắn, thay vào đó cần ghi nhớ hình dạng, màu sắc rắn hoặc chụp ảnh để giúp nhận dạng loài rắn dễ dàng hơn; nếu gặp phải rắn thì không nên có những hành động đe dọa rắn, tránh trêu chọc, sờ vào miệng rắn, kể cả rắn chết hay đầu rắn đã cắt rời. Khi đi rừng, đi vườn, đồng ruộng, nương, cần chuẩn bị những dụng cụ cần thiết, đi ủng hoặc giày cao cổ, mặc quần áo vải dày, đội mũ rộng vành. Xung quanh nơi ở cần phát quang bụi rậm, dùng đèn, đi ủng, giày cao cổ và quần dài, có đuốc hoặc đèn pin nếu đi trong đêm tối, cần thường xuyên kiểm tra phát hiện nơi rắn hay trú ẩn (mái lợp tranh rạ, mái hiên, tường rơm có khe nứt lớn,…). Không nên ngủ dưới đất và nên ngủ trong màn để tránh rắn bò vào cắn.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, người bệnh cần hết sức bình tĩnh, không được đi lại, chạy nhảy nhiều mà cần phải tiến hành vệ sinh, sát khuẩn vết thương bằng xà phòng và nước sạch rồi băng ép cố định để hạn chế nọc độc chạy vào hệ thần kinh, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nên để thõng, không đi lại hoặc vận động. Sau đó, khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời (kể cả khi vết cắn không đau, không chảy máu). “Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24 - 48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả”.