Đề phòng quai bị xuất hiện mùa Đông Xuân
Khí hậu ẩm ướt vào mùa Xuân là môi trường thuận lợi cho virus quai bị phát triển gây bệnh. Bệnh lành tính, đa số đều tự hồi phục không có biến chứng. Tuy nhiên số ít trường hợp có biến chứng vì phát hiện và xử trí muộn.
Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính hay gặp ở lứa tuổi học đường. Bệnh do virus có tên Mumpsvirus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Hơn 80% trường hợp mắc xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có thể bị mắc bệnh nếu chưa được tiêm vaccine ngừa bệnh.
Nguồn bệnh chính là những người đang mắc quai bị cấp tính. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, do tiếp xúc với các giọt nước bọt, chất tiết mũi họng của người bệnh bị văng ra. Người mắc quai bị có thể lây cho người khác 1 tuần trước khi có biểu hiện sưng tuyến mang tai và kéo dài 2 tuần sau khi sưng tuyến mang tai.
Dấu hiệu nhận biết bệnh quai bị
Tùy vào tình trạng bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau, một số người gần như không có triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp:
- Người bệnh sốt, thấy đau mỏi người, đau cơ.
- Cảm thấy mệt mỏi và chán ăn; Buồn nôn, nôn.
- Thấy sưng đau tuyến nước bọt, má, cổ hoặc hàm.
- Một số bệnh nhân có sưng các hạch khác: tinh hoàn…
Sau khi nhiễm virus từ 7-14 ngày, người bệnh sẽ mệt mỏi, chán ăn, sốt, ớn lạnh, cảm giác đau họng và đau bên góc hàm. Sau đó khoảng 2-3 ngày, tuyến mang tai của bệnh nhân sẽ dần sưng to và giảm dần trong khoảng 1 tuần. Có thể sưng 1 hoặc 2 bên mang tai và việc sưng có thể không cùng lúc.
Vùng sưng của quai bị thường rất đặc trưng: sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài. Trong một số trường hợp có thể lan đến ngực gây phù trước xương ức. Lúc đó người bệnh sẽ có cảm giác đau ở vùng bị sưng nhưng da ở vùng sưng không nóng và sung huyết. Bệnh nhân sẽ cảm thấy khó khăn khi nói chuyện và ăn uống.
Bệnh có nguy hiểm không?
Nhìn chung, quai bị là bệnh lành tính, có thể tự hồi phục không có biến chứng. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp có những biến chứng:
- Phụ nữ có thai bị quai bị có thể bị sẩy thai, đẻ non, đặc biệt ở giai đoạn đầu của thai kỳ.
- Ở nam giới tuổi thành niên có thể dẫn đến vô sinh.
Phương pháp điều trị bệnh quai bị
Hiện nay, chưa có thuốc để điều trị đặc hiệu bệnh mà chủ yếu vẫn là điều trị các triệu chứng kết hợp chăm sóc người bệnh và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm:
- Đầu tiên, nếu có các triệu chứng sốt hay đau vùng mang tai, bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt.
- Người bệnh cần uống nhiều nước để bù nước và các chất điện giải.
- Để giảm bớt sưng đau có thể chườm mát ở tuyến nước bọt.
- Không nên ăn các thực phẩm quá cứng, thức ăn nhiều gia vị cay nóng hoặc chua. Nên ăn những thức ăn lỏng, mềm, dễ ăn, dễ nuốt: cháo hoặc súp.
- Không tự ý dùng thuốc kháng sinh, chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ khi nghi ngờ có bội nhiễm;
- Cần hạn chế vận động mạnh; Nên nghỉ ngơi thoải mái; Tránh tiếp xúc với người trong gia đình và xung quanh để hạn chế lây nhiễm.
Với bệnh nhân nam nếu có các dấu hiệu viêm tinh hoàn hay ở bệnh nhân nữ có dấu hiệu viêm buồng trứng cần được theo dõi chặt chẽ ở bệnh viện, tránh để lại những di chứng đáng tiếc.
Tóm lại: khi có dấu hiệu đau sưng ở vùng mang tai cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và chẩn đoán phân biệt bệnh. Một số bệnh gây viêm tuyến nước bọt không nhất thiết gây ra do virus quai bị mà còn gây ra bởi các vi khuẩn và virus khác.
Lời khuyên của thầy thuốc
- Cần phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng để cách ly và điều trị kịp thời. Có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ đối với các trường hợp bệnh nhẹ.
- Bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động.
- Thực hiện vệ sinh cá nhân, thường xuyên súc họng bằng dung dịch khử khuẩn hoặc nước muối loãng, đặc biệt chú ý cho nhóm trẻ em nhỏ tuổi.
- Thực hiện vệ sinh môi trường sống, làm thông thoáng nhà ở, tận dụng ánh sáng mặt trời.
- Nên tiêm vaccine phòng quai bị, bắt đầu từ 12 tháng tuổi trở lên. Trường hợp người đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc quai bị mà chưa tiêm vaccine phòng quai bị thì cần phải tiêm ngay để có thể bảo vệ bản thân tránh bị lây nhiễm.