Đề phòng tai nạn sinh hoạt ở trẻ nhỏ
Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, cứ mỗi năm vào dịp Tết, số lượng trẻ em nhập viện do tai nạn thương tích thường gia tăng.
TS.BS Ngô Anh Vinh - Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm trực Tết, chứng kiến không ít trường hợp trẻ nhập viện do lỗi bất cẩn, chủ quan của bố mẹ vì quá bận rộn, ít để ý đến con trong ngày Tết như dị vật hô hấp, bỏng, đuối nước, các tai nạn sang chấn do ngã, va đập…
Trẻ tiếp xúc với các loại hạt như hạt dẻ cười, hạt hướng dương, hạt bí, mứt các loại… khi không có sự giám sát của người lớn, đặc biệt trẻ ở lứa tuổi từ 2-5 tuổi rất hiếu động, tò mò, chưa ý thức được việc làm của mình và thường hay có thói quen đưa vật lạ vào miệng ngậm, có thể dẫn tới dị vật đường thở. Đây là điều rất nguy hiểm vì có thể gây nên tình trạng ngạt thở và tử vong nhanh chóng nếu bố mẹ không biết cách xử trí kịp thời. Một loại dị vật đặc biệt nguy hiểm nữa hay gặp là sặc thạch. Đây là dị vật rất khó có thể gắp tại cơ sở y tế bởi các dụng cụ thông thường và gây nguy cơ tử vong cao do tắc nghẽn đường thở.
“Bên cạnh đó, những tai nạn bỏng, hóc dị vật, ngộ độc thực phẩm, pháo nổ, té ngã, điện giật, tai nạn giao thông xảy ra với trẻ, nhẹ có thể chữa khỏi, nặng sẽ tàn tật suốt đời hoặc tử vong. Vì vậy, vai trò của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ rất quan trọng trong phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ” – BS Vinh chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia, một tai nạn mà trẻ có thể gặp phải trong ngày Tết là bị động vật cắn khi đi chúc Tết. “Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công. Hoàn cảnh bị tấn công chủ yếu xảy ra khi mọi người đi chơi, thăm hỏi, chăm sóc vật nuôi trong dịp Tết. Điều quan ngại là rất nhiều vật nuôi tấn công người đã không được tiêm vaccine phòng dại trước đó. Vào các đợt nghỉ dài, người dân tiếp cận với huyết thanh và vaccine phòng dại cũng khó khăn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi tai nạn xảy ra mọi người cần rất sớm đến các cơ sở y tế để được sơ cứu, xử lý vết thương. Đồng thời phải tiêm ngay, càng sớm càng tốt huyết thanh kháng dại và vaccine mới giúp ngăn chặn bệnh bùng phát và tử vong” - BS Vinh cho hay.
Theo BSCKII Nguyễn Tân Hùng - Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), mỗi dịp Tết, Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, chủ yếu do các tác nhân từ môi trường xung quanh. Trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 5 tuổi đặc biệt dễ bị hóc dị vật hoặc gặp phải các tai nạn liên quan đến đồ vật trong nhà.
BS Hùng nhấn mạnh, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến sự an toàn của trẻ, nhất là khi tham gia các hoạt động vui chơi, nấu nướng, hoặc đi du lịch. Không cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện. Các ổ cắm điện phải dùng dụng cụ che chắn kỹ lưỡng. Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ, không nên đựng hóa chất, xăng, dầu, thuốc trong vỏ chai đựng nước uống nhằm tránh nhầm lẫn. Thuốc diệt chuột có hình dáng bên ngoài khá giống với một số loại thạch và nước uống cho trẻ em, do vậy nếu gia đình có dự trữ thuốc diệt gián chuột cần nên được cất giữ cẩn thận.
Bên cạnh đó, các thuốc điều trị bệnh mạn tính của người trong gia đình như thuốc chống trầm cảm, thuốc tim mạch cần cất giữ cẩn thận, như để trong hộp riêng, có khóa…
Cần có người lớn giám sắt chặt chẽ khi trẻ chơi ở các khu vực gần ao, hồ, sông, suối, không cho trẻ chơi dưới lòng đường… và các bề mặt trơn trượt. Tránh để các đồ vật như thủy tinh, sắc nhọn... gần tầm tay của trẻ. Cần giáo dục cho trẻ biết các mối nguy hiểm từ các động vật xung quanh để biết cách phòng tránh, không trêu đùa với động vật lạ.
“Tùy từng loại tai nạn thương tích mà người lớn có thể áp dụng cách sơ cứu khác nhau. Nếu trẻ không ngừng tim mà có những vết thương chảy máu thì việc đầu tiên là băng bó vết thương, nếu trẻ gãy xương thì cố định xương gãy. Nếu trẻ có dấu hiệu ngừng thở, thiếu oxy, cần kích thích xem trẻ có đáp ứng hay không, có tuần hoàn không; sau đó gọi hỗ trợ từ những người xung quanh; Đánh giá đường thở, khai thông đường thở, nếu trẻ không thở thì ngay lập tức thực hiện ép tim, thổi ngạt. Tất cả các tai nạn thương tích ở trẻ, cần được sơ cứu đúng cách và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời” – BS Hùng khuyến cáo.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-phong-tai-nan-sinh-hoat-o-tre-nho-10298264.html