Để phụ nữ khẳng định mình - Kỳ 2: Nhiều đóng góp, nhưng vẫn còn rào cản

Kỳ 2: Nhiều đóng góp, nhưng vẫn còn rào cản

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã tập trung xây dựng, triển khai nhiều hoạt động với nhiều mô hình thiết thực, mang lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn những khó khăn nhất định, cần có các giải pháp mạnh mẽ để giúp phụ nữ tự tin khẳng định mình.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao học bổng cho trẻ mồ côi.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao học bổng cho trẻ mồ côi.

Sôi nổi các phong trào

Cùng cán bộ Hội Phụ nữ xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh, chúng tôi đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Sanh (sinh năm 1940, trú thôn Đồng Trăng 1). Trong căn nhà được cho ở tạm, bà Sanh tuy đã 84 tuổi vẫn phải chăm sóc 2 người con bị bệnh tâm thần hơn 30 năm qua. Chồng mất 4 năm trước, gia đình thuộc hộ nghèo, trong nhà chẳng có gì đáng giá, 3 mẹ con bà cứ thế nương tựa nhau sống qua ngày nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, người thân, hàng xóm. 2 người con khác của bà đã lập gia đình và ra ở riêng nhưng cũng khó khăn nên đôi khi chỉ giúp mẹ được vài ký gạo, con cá. Chi tiêu trong nhà chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp người cao tuổi, bảo trợ xã hội dành cho 3 mẹ con khoảng 1,7 triệu đồng/tháng. Biết được hoàn cảnh của bà, từ năm 2019 đến nay, Hội Phụ nữ xã Diên Đồng đã hỗ trợ gia đình bà 10kg gạo hàng tháng từ mô hình “Cho đi là còn mãi”. Mô hình được thành lập vào tháng 12-2019 với khoảng 20 thành viên, đến nay có gần 40 thành viên tham gia. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên Đồng cho biết, hàng tháng, mỗi thành viên đóng góp 60.000 đồng/người để giúp đỡ cho 20 đến 30 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Các thành viên luôn chủ động và tranh thủ các mối quan hệ, vận động thêm từ các mạnh thường quân để tăng quỹ hoạt động, hỗ trợ thêm các suất quà.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cam Lâm trao phương tiện sinh kế hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cam Lâm trao phương tiện sinh kế hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh vơi bớt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống không chỉ là niềm vui chung của các thành viên mô hình “Cho đi là còn mãi” mà đó còn là trách nhiệm của các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội đã giúp 3.426 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo thoát nghèo. Hiện nay, các cấp hội tín chấp, quản lý hơn 2.283 tỷ đồng từ các ngân hàng, tạo điều kiện cho 66.578 lượt hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Toàn tỉnh duy trì 1.831 tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng, 1.484 tổ phụ nữ tiết kiệm giúp nhau với số tiền tiết kiệm là 81,3 tỷ đồng, đã cho 110.000 hộ vay. Các cấp hội còn vận động nhiều nguồn lực trao tặng 1.015 phương tiện sinh kế với tổng giá trị gần 2,5 tỷ đồng giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, gia đình chính sách ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh làm ăn vượt qua khó khăn. Nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, sáng tạo đã mang lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa trong cộng đồng như: "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", "Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", "Trao phương tiện sinh kế", "5 hội viên khá giúp 1 hội viên khó", "Mẹ đỡ đầu", "Phụ nữ Khánh Hòa tham gia phòng, chống rác thải nhựa"…

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Nha Trang mở lớp dạy nghề hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Nha Trang mở lớp dạy nghề hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để cùng với chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Các cấp hội cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động, mang đến màu sắc mới cho phong trào phụ nữ các cấp. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc tiếp tục được quan tâm nâng cao chất lượng, thực chất, phù hợp. Từ đó, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn phụ nữ tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo điều kiện cho các cấp hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Phụ nữ phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh ra quân dọn vệ sinh môi trường.

Phụ nữ phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh ra quân dọn vệ sinh môi trường.

Cần những giải pháp mạnh mẽ hơn

Dấu ấn của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các hoạt động phong trào ngày càng được thể hiện sâu sắc, đa dạng, rõ nét. Nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giao giữ những trọng trách quan trọng trên cương vị lãnh đạo, quản lý, qua thực tiễn công tác đã thể hiện được năng lực trong điều hành, quản lý, xây dựng và tập hợp quần chúng; làm nòng cốt trong các phong trào ở đơn vị, địa phương. Song, bình đẳng giới vẫn là câu chuyện được nói đến nhiều bởi những định kiến về giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng tới sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ như: Đói nghèo, biến đổi khí hậu, thay đổi chức năng gia đình; bạo lực gia đình, đặc biệt là các vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em...

Trao phương tiện sinh kế giúp phụ nữ nghèo của huyện Khánh Vĩnh.

Trao phương tiện sinh kế giúp phụ nữ nghèo của huyện Khánh Vĩnh.

Hội Phụ nữ thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh tặng bữa ăn sáng miễn phí cho người dân.

Hội Phụ nữ thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh tặng bữa ăn sáng miễn phí cho người dân.

Thực tế cho thấy, một số cơ quan, đơn vị chưa chú trọng việc phân tích giới trong các thống kê, báo cáo nên chưa đánh giá được mức độ thực hiện bình đẳng giới; đặc biệt trong các nội dung báo cáo, các tiêu chí thi đua về công tác cán bộ. Một số đơn vị chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến công tác phổ biến Luật Bình đẳng giới, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện vẫn còn một số hạn chế, thiếu các chính sách hỗ trợ cho nhóm phụ nữ đặc thù.

Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa thực hiện mô hình "Ngôi nhà xanh" để gây quỹ trao học bổng và quà cho học sinh có hoàn khó khăn.

Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa thực hiện mô hình "Ngôi nhà xanh" để gây quỹ trao học bổng và quà cho học sinh có hoàn khó khăn.

Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, lãnh đạo sở luôn chú trọng đến tỷ lệ nữ cán bộ quản lý tại các đơn vị sự nghiệp. Ngành cũng đã thực hiện chính sách ưu tiên cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, đặc biệt đối với chị em phụ nữ sau 5 năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, ưu tiên xét thuyên chuyển về gần nhà. Tuy nhiên, tác động của các yếu tố khách quan đã tạo nên rào cản đối với sự phát triển của không ít nữ giới. Không ít chị em đã buộc phải lựa chọn dừng phát triển sự nghiệp để lui về chăm sóc gia đình.

Đối với các phong trào của phụ nữ, tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song hoạt động của các cấp hội thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ có 17 biên chế là quá ít so với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay nên có tình trạng quá tải đối với cán bộ, công chức và phần nào ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công việc. Bà Nguyễn Thị Thu Thảo - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) chia sẻ, đặc thù địa bàn Cam Linh là địa phương ven biển, nhiều chị em thường xuyên đi làm xa nhà, vá lưới dài ngày nên khó sắp xếp thời gian để tham gia sinh hoạt hội. Bên cạnh đó, còn thiếu mô hình mới thật sự thu hút chị em. Còn theo bà Nguyễn Phương Khánh - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phương Sài (TP. Nha Trang), trở ngại nhất đối với các hoạt động hội thường kỳ và đột xuất trong năm là thiếu kinh phí. Các phần mềm số của cấp trên chưa hoàn chỉnh nên một số cán bộ và chi hội trưởng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện...

Hàng tháng, mô hình "Cho đi là còn mãi" của Hội Phụ nữ xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh giúp đỡ cho 20 đến 30 hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Hàng tháng, mô hình "Cho đi là còn mãi" của Hội Phụ nữ xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh giúp đỡ cho 20 đến 30 hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Phụ nữ xã Diên Phước, huyện Diên Khánh hỗ trợ nhà "Mái ấm tình thương" cho hội viên gặp khó khăn về nhà ở.

Hội Phụ nữ xã Diên Phước, huyện Diên Khánh hỗ trợ nhà "Mái ấm tình thương" cho hội viên gặp khó khăn về nhà ở.

Để nâng cao hiệu quả công tác phụ nữ trong tình hình mới, đòi hỏi quyết tâm của tất cả các cấp, ngành và chính bản thân phụ nữ. Các cấp ủy, chính quyền, hội phụ nữ các cấp cần tạo môi trường cho phụ nữ tham gia các lĩnh vực khác nhau, đồng thời tăng cường các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để phụ nữ được đào tạo, nâng cao trình độ, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tập huấn để cán bộ, hội viên nắm bắt tốt các ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong triển khai hoạt động; nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và giải quyết các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em…

C.TƯỜNG - H.NGÂN

Kỳ 1: Dấu ấn phụ nữ ở cơ sở

Kỳ cuối: Tạo điều kiện để phụ nữ phát triển trong mọi lĩnh vực

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202409/de-phu-nu-khang-dinh-minh-ky-2-nhieu-dong-gop-nhung-van-con-rao-can-a9e48bd/