Để Phú Quý mãi ấn tượng với du khách
1. Mới đây, một câu chuyện xô xát giữa hướng dẫn viên du lịch người bản địa và du khách xảy ra trên đảo Phú Quý từ việc du khách không thực hiện theo thỏa thuận tiền công làm hướng dẫn viên và cả cách hành xử thiếu chuyên nghiệp đã gây chú ý dư luận.
Câu chuyện tuy nhỏ nhưng cũng để lại nhiều điều cần suy nghĩ trong việc ứng xử và nâng cao dịch vụ du lịch trên đảo, để hướng tới phát triển du lịch bền vững, lĩnh vực mà địa phương xác định là thế mạnh.
Theo báo cáo của Công an xã Long Hải, huyện Phú Quý, khoảng tháng 6/2023, ông TBN (32 tuổi, tỉnh Đồng Nai) có chủ động dùng facebook cá nhân để liên lạc qua facebook của ông NCQK (30 tuổi, thường trú tại xã Long Hải) để thuê K làm người dẫn đường cho N từ ngày 10-16/7/2023, khi N đến du lịch tại huyện Phú Quý, với tiền công dẫn đường mỗi ngày là 500.000 đồng. Ngày 10/7/2023 khi N đến Phú Quý thì K đã dẫn đường cho N theo các nội dung trước đó hai bên đã thống nhất. Sau đó, N phát sinh thêm nhu cầu nên nhờ K đặt thêm dịch vụ lặn tự do của LH với giá 1.500.000 đồng, đặt cọc trước 750.000 đồng. Tuy nhiên, dịch vụ này đã bị hủy do thời tiết xấu. 2 bên thống nhất chấm dứt thỏa thuận thuê K dẫn đường từ ngày 13/7/2023, theo đó N phải trả tiền công dẫn đường 3 ngày là 1,5 triệu đồng cho K. Tuy nhiên N không chịu trả với lý do phàn nàn K dẫn đường không nhiệt tình và chờ LH hoàn tiền đặt cọc. Sau nhiều lần trao đổi, 2 bên thống nhất N trả trước cho K 750.000 đồng, còn 750.000 đồng còn lại N sẽ trả khi LH hoàn tiền. Đến khoảng 16 giờ ngày 15/7/2023, sau khi biết LH đã hoàn tiền cho N nên K đã nhắn tin, gọi điện thoại nhiều lần cho N để thúc giục N trả tiền, vì N dự kiến rời khỏi đảo vào 8 giờ ngày 16/7/2023, tuy nhiên, N không trả lời.
Đến khoảng 21 giờ 10 phút ngày 15/7/2023, khi K đang điều khiển xe trên đường Lê Hồng Phong thuộc thôn Quý Hải, xã Long Hải thì thấy N đang điều khiển xe gắn máy nên đã đuổi theo N và đề nghị N trả số tiền theo hợp đồng mà anh N còn thiếu. Tuy nhiên N không trả như thỏa thuận và có những lời lẽ thiếu tế nhị dẫn đến 2 bên xảy ra tranh cãi và N đấm vào mặt K, riêng K thấy vậy đã gạt tay đỡ và xô xát qua lại gây các vết xước trên mặt N. Sau đó, Công an xã mời 2 bên về trụ sở để giải quyết và trình bày nội dung mâu thuẫn xô xát. Qua giải thích, 2 bên đã tự thỏa thuận, theo đó ông K bồi thường chi phí điều trị thương tích là 750.000 đồng bằng số tiền mà N còn thiếu K nên việc bồi thường đã hoàn thành. Câu chuyện trên cùng khá nhiều câu chuyện khác liên quan đến du lịch xảy ra trên đảo Phú Quý thời gian qua, đòi hỏi cần có sự định hình để cùng chung tay xây dựng môi trường và hình ảnh du lịch Phú Quý ngày càng bền vững, chuyên nghiệp hơn.
2. Có thể nói, hiện nay du lịch trên đảo phát triển khá nhanh, do điều kiện đi lại thuận tiện với lượng tàu vận chuyển hành khách được doanh nghiệp đầu tư hướng tới chất lượng ngày càng cao. Không chỉ các doanh nghiệp, công ty đứng ra tổ chức tour, mà nhiều cá nhân, nhất là người dân trên đảo cũng tham gia làm du lịch, trong đó có một lượng lớn thanh niên người bản địa tham gia làm hướng dẫn viên, phục vụ các dịch vụ liên quan đến du lịch. Nhiều du khách để tiện lợi quá trình tham quan ở Phú Quý đã lựa chọn dịch vụ này, thay vì các tổ chức (vốn còn rất hạn chế) qua việc tự thỏa thuận giá và hình thức trải nghiệm du lịch với nhau. Cái hay của hình thức dịch vụ này là các bạn hướng dẫn viên bản địa am hiểu rất nhiều về văn hóa, vùng biển, địa điểm lưu trú và các món hải đặc sản trên đảo cũng như những trò chơi để hướng dẫn thuần phục cho du khách…Là người từng trải nghiệm dịch vụ này chúng tôi nhận thấy các bạn trẻ trên đảo hết sức mến khách, nhiệt tình, thân thiện, tốt bụng và rất chân thật. Đây là bản tính vốn có của người chính gốc trên đảo từ trước đến nay.
Chia sẻ với chúng tôi một bạn trẻ đang là hướng dẫn viên và tổ chức các tour du lịch trên đảo cho biết, câu chuyện giữa du khách và người hướng dẫn viên như vừa qua không đáng xảy ra và nó ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh con người và du lịch của đảo Phú Quý. Là người làm du lịch và hơn thế là xây dựng hình ảnh, sự phát triển quê hương, hơn ai hết phương châm của chúng tôi luôn mong muốn đem lại sự trải nghiệm và nghỉ ngơi, vui chơi tốt nhất cho du khách khi đặt chân đến đảo, để lần sau họ có thể trở lại.
Đảo Phú Quý vốn hoang sơ và con người nơi đây chân chất thật thà mến khách. Đối với du khách khi sống trong xã hội phát triển nhanh, áp lực công việc nhiều, nên một khi đi du lịch nghỉ ngơi, thì những yếu tố vốn là đặc trưng như ở đảo Phú Quý sẽ không chỉ là sự cảm nhận tuyệt vời mà còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách để níu kéo chân họ. Hy vọng rằng sự phát triển nhanh chóng của du lịch trên đảo sẽ đi đôi với giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa và con người nơi đây. Và mỗi người dân đến du lịch hay kinh doanh cũng sẽ cùng chung tay xây dựng hình ảnh và nét văn hóa du lịch xinh đẹp cả về hình ảnh phong cảnh và tâm hồn cho đảo ngọc Phú Quý.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/de-phu-quy-mai-an-tuong-voi-du-khach-110710.html